Saved Font

Trước/6Sau

Án Mạng

Chương 3: Thi Thể Bị Đốt

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Kiểu Màu
Dựa theo quy định, khi xảy ra án mạng phải báo lên phân cục hoặc cục công an thành phố. Phó đồn trưởng đồn công an Trấn Bình là Tiểu Mã lập tức gọi điện thoại báo cáo lên hai nơi, sau đó mới gọi lão Hồng chạy thẳng đến hiện trường.

Lúc đó Mục Dung Hán chỉ có thể xem như người ngoài. Sau khi hình cảnh phân cục, cục thành phố và pháp ý điều tra hiện trường, giải phẫu thi thể. Vừa quay về cục thành phố thì anh lập tức nhận được thông báo: Thành lập tổ chuyên án để điều tra vụ án mạng này, do anh đảm nhiệm chức tổ trưởng.

Tổ chuyên án tổng cộng có bốn điều tra viên, ngoại trừ tổ trưởng Mục Dung Hán ra thì ba vị còn lại là hình cảnh phân cục đường Đại Tây là Từ Tử Sơn, Hồ Chân Lực và Tống Bỉnh Quân cảnh sát nhân dân ở đồn công an Trấn Bình.

Từ Tử Sơn và Hồ Chân Lực đều là hình trinh có hơn mười năm kinh nghiệm nên được giữ lại làm hình cảnh, Tống Bỉnh Quân 19 tuổi thì là công an mới vừa bắt đầu làm việc chưa tới ba tháng. Mục Dung Hán và ba người hàn huyên một lúc, biết được trước kia Từ Tử Sơn và Hồ Chân Lực từng điều tra án mạng, nhưng là một thành viên trong nhóm chuyên án hơn mười người, cũng không có phát huy xuất sắc gì, chỉ tương đương với nhân vật cầm cờ trên sân khấu mà thôi. Nên anh lập tức ý thức được gánh nặng đè lên vai mình lúc này.

Phân cục đường Đại Tây đã cấp cho tổ chuyên án một căn phòng nhỏ làm văn phòng, bốn người Mục Dung Hán bắt đầu tiến hành lần phân tích vụ án đầu tiên trong căn phòng đầy mùi ẩm mốc này.

Từ Tử Sơn và Hồ Chân Lực trước đó từng tham gia điều tra hiện trường, Mục Dung Hán cũng ở đó từ đầu chí cuối. Anh hỏi hai người kia có phát hiện manh mối gì ở hiện trường hay không thì cả hai đều cười khổ. Mục Dung Hán mới nói: “Lão Từ, lão Hồ, không dám gạt hai anh, mặc dù tôi từng làm trinh sát lúc ở bộ đội, nhưng đó là trinh sát quân sự, kiểu điều tra rất khác với hình sự. Công tác hình trinh ắt hẳn phải kỹ càng hơn trinh sát quân sự nhiều. Còn Tiểu Tống ấy à, cũng là lính mới như tôi cả, cần phải vừa làm vừa học. Hai anh là hình cảnh lâu năm, chúng ta cùng nhau điều tra chuyên án này thì hai anh phải ra sức nhiều hơn. Bây giờ chúng ta đóng cửa lại thảo luận nội bộ về vụ án này, hai anh có gì thì cứ nói cái đó vậy.”

Hai người Từ, Hồ mới nói về tình tình lúc điều tra hiện trường. Pháp y giải phẫu xác định thời điểm từ vong ước chừng là nửa đêm, nạn nhân vào ngõ Tiên Hà, lúc đi đến cửa nhà móc chìa khóa ra định mở cửa thì bị tấn công bất ngờ, hung thủ tấn công từ phía sau, tay trái siết chặt cổ của nạn nhân, tay phải cầm dao găm đâm thẳng vào gan của nạn nhân, một dao mất mạng. Suy đoán đừ vết tụ huyết do mạch máu ở cổ của nạn nhân bị vỡ thì hắn đã từng giãy giụa một chút, nhưng căn bản chẳng có chút hiệu quả nào. Lúc pháp y và hình cảnh điều tra từng mô phỏng lại quá trình gây án tại chỗ, cho ra kết luận: Có thể hung thủ đã bám theo nạn nhân một đoạn, cũng có thể đã nấp sẵn trong ngõ từ trước, đợi đến khi nạn nhân chuẩn bị mở cửa thì bất ngờ ra tay. Căn nhà số 73 mà nạn nhân đang cư ngụ là nhà nằm ở cuối ngõ Tiên Hà, trong ngõ không có đèn, tối qua trời lại nhiều mây nên chẳng có trăng sao gì, dù là bám đuôi hay phục kích, chỉ cần không tạo ra tiếng động quá lớn thì nạn nhân sẽ khó mà phát hiện.

Như thế có thể suy đoán, hung thủ hẳn là một tên sát thủ lành nghề. Ra tay từ góc độ này thì trên người hung thủ chắc hẳn sẽ không bị dính máu, nhưng có thể bàn tay phải cầm dao và ống tay áo sẽ để lại dấu vết. Ngõ Tiên Hà lại là con đường lát đá, tối hôm qua lại không có mưa, lẽ ra sẽ để lại dấu chân. Nhưng sáng nay, sau khi phát hiện Hoàng Kế Sĩ bị hại, hàng xóm chen lấn bu vào xem nên đã giẫm đạp rất nhiều, khó mà phân biệt được.

Nếu như đã không có thu hoạch gì ở hiện trường thì tổ chuyên án phải mở rộng bước điều tra tiếp theo bằng cách nào?

Mục Dung Hán lại hỏi: “Ba đồng chí có ý kiến gì không?”

Tống Bỉnh Quân lập tức nói: “Tôi nghe lãnh đạo, anh bảo làm gì thì tôi sẽ làm như thế.”

Từ Tử Sơn cũng gật đầu phụ họa. Chỉ có Hồ Chân Lực là đề xuất một vấn đề: “Khi nãy tôi nghe lão Hồng bên đồn công an nói lúc trước tổ trưởng Mục đang điều tra về Hoàng Kế Sĩ, không biết nạn nhân gặp chuyện có liên quan gì tới việc anh đang điều tra hay không?”

Mục Dung Hán bèn kể lại chuyện mình được lệnh điều tra tình huống về 37 bức thư tố giác nhằm vào Hoàng Kế Sĩ ra, sau đó lại nói: “Xem ra cái chết của Hoàng Kế Sĩ có liên quan đến thư tố giác hay không cũng là một trong những phương hướng mà tổ chuyên án cần phải điều tra. Ngoài ra mọi người còn phương hướng nào khả thi nữa không?”

Từ Tử Sơn bèn nói: “Dựa theo lối làm việc cũ của hình trinh thì cần phải điều tra những hoạt động của Hoàng Kế Sĩ vào mấy ngày trước đó đã làm gì, có hành vi bất thường gì hay không, đặc biệt là một ngày trước khi bị hại. Còn phải đến hỏi thăm các hộ gia đình khác trong ngõ Tiên Hà, để xem tối hôm đó có ai nghe thấy hoặc nhìn thấy động tĩnh liên quan đến vụ án này hay không.”

Lúc này Tống Bỉnh Quân cũng đánh bạo lên tiếng: “Tổ trưởng Mục anh xem có phải nên mời người phụ nữ thuê viết thư tố giác kia đến hợp tác điều tra hay không? Nói không chừng tìm được cô ta thì sẽ có manh mối về vụ án này ấy chứ.”

Mục Dung Hán ngẫm nghĩ một lúc: “Vậy thì chúng ta chia làm hai đường tiến hành điều tra. Lão Hồ và tôi đi thăm dò manh mối về cô gái tóc xoăn kia. Lão Từ, tiểu Tống, hai người phụ trách tình huống của Hoàng Kế Sĩ trước khi bị giết và hỏi thăm người dân trong ngõ Tiên Hà.”

Án mạng “Chuột Chín Đầu” - Phần 5

Việc điều tra kể trên tiến hành hơn hai ngày, từ trưa ngày 21 tháng 10 đến khuya ngày 23 tháng 10, cả bốn điều tra viên đều không có thu hoạch gì.

Tối ngày 23, tổ chuyên án lại họp thêm lần nữa để thảo luận về vụ án, bàn tới bàn lui lại cảm thấy hình như không có đường nào để đi.

Đêm đó, Mục Dung Hán chỉ ngủ hơn ba giờ, trong đầu luôn nghĩ về phương hướng điều tra của vụ án mạng này, nhưng nghĩ tới nghĩ lui mà vẫn không thông.

Hôm sau, ngày 24 tháng 10, trời đổ mưa thu, cứ tí tách khiến người ta khó chịu. Mục Dung Hán mới từ ký túc xá tập thể của cục thành phố chạy tới văn phòng tổ chuyên án ở phân cục đường Đại Tây thì nhận được điện thoại của Tiểu Mã - phó đồn trưởng đồn công an Trấn Bình, nói: “Lão Mục, xem ra anh phải dẫn theo cấp dưới xuống nông thôn một chuyến rồi.”

Mục Dung Hán vội hỏi: “Đã xảy ra chuyện gì à?”

Tiểu Mã mới kể là có chuyện lạ: “Vừa rồi vợ của nạn nhân là Hoàng Thải Vân khóc lóc chạy tới đây, nói là cả quan tài lẫn thi thể của chồng cô ta đều bị người khác đốt mất rồi!”

Gia tộc họ Hoàng phát triển từ thời Quang Tự Thanh triều, dần trở thành một gia tộc lớn ở Trấn Giang, mãi cho tới thời kỳ kháng chiến mới suy sụp, nhưng đám người ham mê những thứ hào hoa xa xỉ xưa kia vẫn còn, từ đường và mộ viên Hoàng gia trang ở vịnh Thất Lý bên thành nam chính là chứng cứ rõ ràng nhất.

Năm Quang Tự hai mươi, lão đại nhà họ Hoàng lúc đó là phú thương Hoàng Chấn Hoàn bỏ vốn mua lại mười bảy mẩu đất ở Hoàng gia trang, khởi công xây dựng từ đường và mộ viên. Dựa theo quy định do Hoàng Chấn Hoàn đã lập, đàn ông trong nhà họ Hoàng chỉ cần lúc sống chưa từng phạm phải sai lầm gì lớn thì sau khi chết đều có thể chôn cất ở mộ viên và đặt bài vị trong từ đường. Thời đầu dân quốc, con cháu của Hoàng Chấn Hoàn lại sửa quy tắc một chút, thuận theo trào lưu, đàn ông khác họ ở rể đã đổi sang họ Hoàng, sau khi chết cũng có thể chôn cất trong mộ viên dựa theo đãi ngộ của đàn ông trong họ, bài vị cũng có thể đưa vào từ đường. Lần này, Hoàng Kế Sĩ chết oan cũng được làm theo quy định đã sửa lại kia.

Phú thương Hoàng Chấn Hoàn là một người có tư duy cởi mở và sở thích khá lập dị, trong quy định mà ông đặt ra còn có một cái mà những gia tộc khác không có: Người chết được chôn vào mộ viên họ Hoàng phải để quan tài ở hậu viện từ đường ba năm mới được hạ táng nhập thổ. Quy định như thế đại khái là sợ người chết đã che giấu sai phạm nghiêm trọng lúc sinh tiền, sau khi chết mà bị lộ ra thì cũng không thể nào từ đường hay chôn cất ở mộ viên. Dù sao thì cũng chưa hạ táng, đưa ra cũng chẳng sao. Đương nhiên, theo lý thuyết thì dù đã hạ táng cũng có thể đào quan tài lên, nhưng với quan điểm của Hoàng lão gia tử thì làm thế là động đến phong thủy, sẽ hại đến gia đình.

Lúc trước khi lão gia tử lập ra quy định này thì có người trong họ đề nghị cứ xây hẳn một sảnh khác ở bên cạnh từ đường, chuyên đặt quan tài đang trong thời gian chờ ở đó, để lễ lạt người thân cũng tiện đến cúng bái, nhưng bị lão gia tử phủ quyết thẳng thừng.

Tại sao lại như thế? Nghe nói vì chuyện này mà Hoàng Chấn Hoàn đã đặc biệt nhờ một vị đạo sĩ tinh thông phong thủy và tướng số đến xem, cho rằng quan tài phải đặt ở ngoài trời để lệ khí bay đi, sau này nhập thổ thì hương hồn sẽ không quấy phá, người trong gia tộc mới có thể yên ổn.

Nếu vậy, quan tài để lộ thiên đến ba năm, gió thổi mưa xối, đến khi hạ táng chẳng phải đã tróc sơn, nứt nẻ hết rồi ư? Điều này thì Hoàng lão gia tử đã cân nhắc tới: Cứ đến tiết Tam Phục (1) mỗi năm thì lại mời thợ sơn đến sơn lại cho mỗi chiếc quan tài là được.

Dựa theo quy định hơn 60 năm trước, trong nhà dân chúng bình thường có ai qua đời, chỉ cần gia cảnh không tệ thì ít nhất cũng để quan tài ba ngày, an ủi hương hồn của người đó. Nhưng tình huống của Hoàng Kế Sĩ lại khác, hắn ta chết oan, thi thể lại bị giải phẫu nên Hoàng Thải Vân vợ hắn mới nghe theo đề nghị của lớp cha chú trong tộc, ngày thứ hai sau khi bị hại đã nhập liệm, ngày thứ ba – tức 23 tháng 10 thì thuê một chiếc thuyền chuyển về Hoàng gia trang, đặt ở hậu viện từ đường. Nào ngờ, đến nửa đêm thì quan tài của Hoàng Kế Sĩ đã bị đốt!

Từ đường và mộ viên gia tộc của nhà họ Hoàng có người quản lý riêng, đó là một nhà nông dân nghèo khổ họ Diêu. Đầu của người này hơi dị dạng, hơi vuông vức mà còn khá lớn, nên mọi người mới gọi anh ta là Diêu đầu to.

Lúc trước Hoàng Chấn Hoàn mua đất xây từ đường và mồ mả xong, khi chọn người quản lý thì điều kiện là người nghèo trung hậu thành thật và chịu khó, lại không ruộng đất nhà cửa. Sau khi được chọn thì cả nhà có thể vào từ đường ở, được cho ở và dùng hai gian, miễn thuế vài mẫu khi trồng trọt trên điền sản của nhà họ Hoàng, kế thừa qua các đời. Lúc ấy đã chọn trúng ông nội của Diêu đầu to chạy nạn từ Tô Bắc tới đây, đến Diêu đầu to đã là đời thứ ba.

Tối hôm qua, một nhà năm người của Diêu đầu to vẫn như mọi khí, sau khi trời sập tối thì đi nghỉ. Đến nửa đêm về tối thì vợ của Diêu đầu to giật mình thức dậy, mở mắt ra thì thấy bên ngoài cửa sổ có ánh lửa sáng rực thì biết ngay là có chuyện nên vội đánh thức chồng mình dậy.

Diêu đầu to không kịp mặc áo ngoài đã chạy vội ra ngoài xem thử, lúc này vừa hoảng sợ lại lấy làm khó hiểu: Chỗ bị cháy đúng là hậu viện! Nhưng hậu viện là nơi đặt quan tài, sao lại cháy được?

Diêu đầu to lập tức cầm thùng nước chạy thẳng đến hậu viện. Lửa cháy ở chiếc quan tài vừa mới đưa đến vào ban sáng, nắp quan tài đã bị cháy trụi, bên vách cũng sắp rã ra, thi thể bên trong cùng đồ bồi táng cũng bắt lửa.

Lúc này cả vợ và con của Diêu đầu to cũng chạy tới, cả nhà rối rít kéo nước dập lửa, cuối cùng cũng dập được. Nhưng thi thể của Hoàng Kế Sĩ đã bị tổn hại nghiêm trọng, bị lửa thiêu là thứ yếu, hơn phân nửa là do mấy túi vôi sống được nhét vào quanh thi thể lúc nhập liệm đã sinh ra phản ứng hóa học khi bị giội nước vào gây nên.

Người dân trong Hoàng gia trang thấy quan tài bốc cháy thì đều tấm tắc làm lạ. khi đó mọi người đa phần đều mê tín, bắt đầu nói thiên về hướng quỷ thần, khiến cho Diêu đầu to xưa nay vốn xem như lớn gan cũng phải giật thót, lập tức gạt bỏ suy nghĩ vào thành phố báo lại với nhà họ Hoàng ngay trong đêm.

Đến khi trời vừa sáng anh ta mới vào thành phố, nhưng lại không biết nhà của Hoàng Thải Vân ở đâu, chỉ biết nơi ở của cụ ông Hoàng Kim Bạch thường đại biểu cho gia tộc để liên lạc với anh ta. Hoàng Kim Bạch nghe xong thì giật mình kinh hãi, lập tức sai con mình dẫn Diêu đầu to đến ngõ Tiên Hà.

Hoàng Thải Vân lại mê tín nặng hơn nữa, nghe Diêu đầu to nói người dưới quê nghi ngờ đây là “lửa trời” thì sợ tới mức run lẩy bẩy, luôn miệng hỏi “Thế phải làm sao bây giờ?”

Diêu đầu to là một anh nông dân chân đất, nào biết phải làm sao. Nhưng người con trai làm giáo sư của Hoàng Kim Bạch thì có kiến thức nên bảo là thôi thì cứ báo lên đồn công an đi.

Sau khi tới đồn công an kể rõ mọi việc thì cảnh sát đang có mặt, bao gồm cả người xem như có kiến thức rộng rãi lão Hồng cũng phải giật mình, thầm nghĩ người ta đã chết rồi mà còn muốn đốt cả xác như thế ư?

Lúc này phó đồn trưởng Tiểu Mã mới lập tức gọi điện cho tổ chuyên án.

Mục Dung Hán nghe xong thì lập tức gọi ba người Từ, Hồ, Tống đến Hoàng gia trang.

Sau khi đi vào hậu viện từ đường thì thấy quan tài đã cháy gần hết, thi thể của Hoàng Kế Sĩ cũng bị khói xông, lửa đốt và vôi nướng nên rất thê thảm. Điều tra viên thậm chí còn hoài nghi không biết đây có phải là thi thể của Hoàng Kế Sĩ hay không. Sau khi hỏi Hoàng Thải Vân thì cô mới lau nước mắt nói đây đúng là di thể của chồng mình, bởi vì trên lưng của Hoàng Kế Sĩ có một vết sẹo, bọn họ đã xem qua và xác định là đúng.

Hậu viện của từ đường có diện tích ước chừng 7-80 thước vuông, đặt 19 chiếc quan tài, đều là thành viên nhà họ Hoàng đã qua đời trong ba năm nay. Trong sân là nền đất, đêm qua Diêu đầu to dập lửa đã giội hơn hai mươi thùng nước, thêm cả thôn dân chạy đến xem, lúc hửng sáng lại có mưa, mặt đất thảm cỡ nào không nói cũng biết.

Nhưng điều tra viên vẫn phát hiện được một cái bình nằm kế khung gỗ lót bên dưới quan tài, ngửi thử thì phát hiện có mùi xăng, nên kết luận quan tài của Hoàng Kế Sĩ là bị người ta tạt xăng đốt. Thủ phạm tạt xăng lên nắp quan tài, nên lúc Diêu đầu to phát hiện hỏa hoạn và chạy tới thì nắp quan tài đã sắp bị thiêu trụi.

Điều tra viên lại kiểm tra tường viện, phát hiện góc phía đông có dấu vết ai đó leo qua. Trên mặt đất bên ngoài tường cũng có một dấu chân rõ ràng, vừa nhìn đã biết là để lại vào đêm hôm qua, bởi vì giẫm khá mạnh nên không bị cơn mưa sáng nay xối đi hết. Khi đó cơ quan công an còn chưa có kỹ thuật viên chuyên phụ trách lấy dấu, chỉ toàn là hình cảnh tự mình lấy mẫu về. Nhưng tổ chuyên án đi vội quá nên không mang theo bột thạch cao. Từ Tử Sơn cái khó ló cái khôn, nhờ Diêu đầu to vào thôn mua chút bột nếp, cho vào nước quậy lên rồi đổ lên dấu chân đó thay cho bột thạch cao, đợi đến khi bột nếp khô lại thì có thể lấy được một dấu chân hoàn chỉnh.

Khi đó còn chưa có tội xâm phạm mồ mả và thi thể, điều tra viên cũng không xem chuyện này như một vụ án, chẳng qua thi thể bị đốt chính là nạn nhân trong vụ án giết người nên tổ chuyên án mới chú ý tới. Cho nên mọi người cũng tự nhiên liên hệ việc này với vụ án giết người kia.

Nếu như nói hung thủ sát hại Hoàng Kế Sĩ là vì có thù hận, vậy thì mục đích của kẻ đó đã đạt được. Nếu đã đạt được mục đích thì tại sao lại còn đốt thi thể của Hoàng Kế Sĩ đây? Chuyện này khiến người ta khó mà hiểu được. Nhưng cũng có một khả năng, ấy chính là hung thủ có ý đồ đánh lạc hướng điều tra. Nếu là như vậy, chẳng phải chỉ cần điều tra ra được kẻ đốt thi thể là xem như phát hiện được manh mối của hung thủ ư?

Vậy phải tìm kẻ đốt thi thể kiểu gì đây? Trước mắt, trong tay tổ chuyên án có hai manh mối do kẻ đốt thi thể để lại, một là dấu chân, hai là bình rỗng từng dùng để đựng xăng kia. Dấu chân chỉ dùng bột nếp để lấy dấu, không khô được nhanh như thạch cao, dù có khô thì hiện tại cũng không thể làm được gì, bởi vì dựa vào dấu chân thì vẫn không biết phải tìm kiếm kẻ đốt thi thể từ hướng nào. Cho nên các điều tra viên đều dồn hết sự chú ý vào chiếc bình rỗng kia.

Lúc phát hiện chiếc bình này ở hiện trường, Mục Dung Hán để ý thấy hai người hình cảnh còn lại không hẹn mà cùng liếc nhau, biết chắc là có nguyên nhân. Lúc này anh lại bảo Tống Bỉnh Quân đặt chiếc bình lên bàn rồi mỉm cười nói với Từ Tử Sơn và Hồ Chân Lực: “Lão từ, lão Hồ, các anh có cao kiến gì về chiếc bình này không?”

Hồ Chân Lực nói với Từ Tử Sơn: “Lão Từ, anh báo cáo với tổ trưởng Mục đi.”

Đây là một chiếc bình đượng hoàng tửu (rượu vàng). Bình thường mà nói tới hoàng tửu thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến Thiệu Hưng, thật ra Giang Nam vẫn còn một loại hoàng tửu khác, ấy chính là rượu Phong Hang đã có ba ngàn năm lịch sử của Đan Dương.

Trấn Giang và Đan Dương cách nhau chưa tới trăm dặm, lúc đó người ở Trấn Giang rất thích uống rượu Phong Hang Đan Dương này. Chiếc bình này chính là bình đựng rượu Phong Hang Đan Dương. Nhưng chiếc bình này hơi đặc biệt một chút. Bình rượu thông thường đều dùng chất liệu thủy tinh, miệng bình dùng một nút bấc dày vài centimet nhét vào, bên ngoài đóng xi gắn nút chai để ngăn không cho mùi rượu bay mất.

Còn chiếc bình này lại làm bằng sứ, hơn nữa lại còn chế tác rất tinh xảo, toàn thân xanh biếc. Nắp bình có hai cái, một là nắp trong, dùng nút bần chất lượng tốt dài hơn một tấc, phủ một lớp ruột dê mỏng. Một cái là nắp ngoài, đồng thời cũng là một ly rượu, được gắn trên bình rượu, miệng ly gắn vào hõm hình tròn trên cổ bình, bởi vì kỹ thuật chế tác rất tinh tế, nên rất chặt, lại kín gió. Chiếc bình rượu này có thể nói là bình chứa, lại là một món đồ thủ công mỹ nghệ.

Tin chắc phàm là khách hàng nào mua loại bình rượu này về, uống hết rượu xong chắc chắn sẽ không nỡ vứt bình đi.

Từ Tử Sơn nói cho Mục Dung Hán biết, loại rượu đựng trong bình này chính là “Rượu đục Lão Tam thôn” do tiệm rượu Vương Lão Tam trong thành Đan Dương bán, đó là hàng cao cấp trong rượu Phong Hang Đan Dương, nghe nói phải chôn dưới đất hơn bảy năm mới mở chum vô bình. Mỗi năm một chum, lúc chôn xuống là năm mươi cân, bảy năm sau khi đào lên mở chum ra chỉ còn lại bốn mươi cân, chia ra đổ vào bốn mươi bình, ông chủ Vương Lão Tam giữ lại cho mình một nửa, nửa còn lại thì đưa ra bán – do hiệu tương Sùng Tín của Trấn Giang kinh doanh độc quyền, giá đắt cắt cổ. Nhưng phần lớn khách hàng mua loại rượu này đều là đại gia nên cũng không tiếc bỏ thêm chút tiền.

Mục Dung Hán nghe xong thì tò mò hỏi: “Rượu này ngon đến vậy à?”

Từ Tử Sơn đáp: “Sao mà tôi biết chứ? Dân chúng bình thường đều chỉ nghe tiếng thôi, đừng nói là mùi vị, ngay cả bình rượu trông thế nào cũng chưa chắc có người biết. Lúc trước khi điều tra vụ án chúng tôi từng đi qua hiệu tương Sùng Tín, có duyên nhìn thấy bình rỗng, giống hệt với chiếc bình này, chẳng qua là màu vàng sáng, không biết khác màu thì có gì khác nhau hay không.”

Vấn đề bây giờ chính là tại sao một chiếc bình như thế lại dùng làm công cụ đựng xăng đốt thi thể đây? Hơn nữa tại sao dùng xong lại ném ở đó mà không cầm về?

Mấy người lại tiến hành phân tích việc này. Bình đựng xăng nhất định phải đóng kín, mà trong thành phố Trấn Giang lúc đó, muốn tìm chiếc lọ nhỏ vừa có thể đóng kín lại thích hợp mang theo bên người cũng không dễ. Lý tưởng nhất đương nhiên là bình nước quân dụng, nhưng trên thị trường căn bản không có bán. Thời điểm đó trên thị trường Trung Quốc còn chưa có đồ nhựa, nên chỉ còn chai rượu, chai nước có gas. Mà nắp chai rượu bình thường đều chỉ có nút bấc dày chừng một centimet, lúc mở ra rất dễ hỏng, không thể dùng thêm lần nữa. Chai nước có gas toàn là nắp phén, phải dùng đồ khui mở ra, mà một khi đã khui ra thì không thể đậy khít lại nữa. Đúng lúc trong tay người đốt thi thể lại có một bình “Rượu đục Lão Tam thôn” nên lấy ra để đựng xăng. Còn tại sao đốt thi thể xong kẻ đó lại không cầm bình đi ấy à, có thể là vì kẻ đó quá căng thẳng, cũng có thể là do kẻ đó căn bản không ý thức được thứ mình cầm rất quý hiếm, kẻ này nhất định thuộc tầng chót của xã hội.

Tổ chuyên án quyết định điều tra manh mối theo hướng bình rượu này.

(1) Tiết Tam Phục là thời kì nóng nhất trong năm: Sơ phục: 10 ngày tính từ canh thứ ba sau Hạ Chí. Trung phục: 20 ngày, tính từ canh thứ tư sau Hạ Chí. Mạt phục: 10 ngày, tính từ canh thứ nhất sau Lập Thu.

Trước/6Sau

Theo Dõi Bình Luận


Truyện Convert : Đô Thị Tối Cường Tu Chân Học Sinh