Saved Font

Trước/110Sau

Con Rể

Chương 110: Đại Kết Cục

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Kiểu Màu
Thành Dương Châu cuối xuân đầu hạ, thời tiết nóng nực, Vương Du Ninh từ phòng sách bước ra ngoài, quản gia chạy chậm tới bẩm: “Lang quân, xe ngựa đã chuẩn bị xong, có thể đi được rồi.”

Vương Du Ninh ngẩng đầu nhìn trời, hôm nay nắng ráo nhưng không quá nóng, trên đầu là bầu trời xanh thẳm vô tận, một ngày hợp để xuất hành.

Chàng đáp lại một tiếng, sau đó trở vào phòng thông báo cho thê tử.

Thê tử chàng đã sắp xếp hành lý đâu ra đó, lúc này đang ngồi chống má, nhắm mắt nghỉ ngơi bên cửa sổ, tia nắng mặt trời rơi trên mặt nàng, tỏa ra cảm giác ấm áp.

“Nên đi rồi.” Vương Du Ninh nhấc hành lý, khẽ báo.

Nàng ta chậm rãi theo phu quân ra ngoài, leo lên xe ngựa, nhích đến gần người bên cạnh gối đầu tiếp tục giấc mộng còn dang dở. Vương Du Ninh lặng lẽ buông rèm xuống, chiếc xe ngựa chậm rãi rời khỏi con hẻm.

Thành Dương Châu điêu tàn năm đó đã khôi phục lại quang cảnh nhộn nhịp trước đây, cảng Thất Lý bên ngoài Xương Môn thuyền bè tấp nập, vẫn là nơi giao thương hàng hóa quan trọng của đất nước, là thành thị hiếm có trên nhân gian.

Kênh đào mới đã thay thế con đường vận chuyển cũ rích ở Dương Châu, tồn tại qua mấy thập niên đi đến ngày hôm nay, chào đón vô số tàu chở hàng hóa và thương lái kéo đến, trở thành mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng cuồn cuộn đổ về Quan Trung.

Con kênh này không xa lạ gì với Vương Du Ninh, chàng chào đời ở đây và cũng lớn lên ở đây. Học được tiếng Quan Thoại của Giang Hoài, cũng học được tiếng Ngô nũng nịu êm tai. Từ lúc thiếu niên, cậu đã dẫn chàng tới nơi này, rồi nán lại nơi này đợi rất lâu.

Cậu chàng thường vận áo dài trắng ngồi bên cảng Thất Lý, chống cằm nhìn người qua kẻ lại, nhìn dòng nước lững lờ muôn đời không đổi dưới nắng chiều, nói nhỏ: “A Tê, con kênh này là công trình của mẹ con đấy, nhìn xem nó náo nhiệt không kìa.”

Lúc ấy chàng vẫn chưa hiểu chuyện bèn hỏi: “Vậy bây giờ mẹ con ở đâu?”

“Một nơi rất xa.” Cậu trả lời chàng, sau đó đứng lên, thả một ngọn đèn xuống dòng kênh.

Nhưng chưa trôi được bao xa nó đã chìm nghỉm trong nước, giống như không ai chịu nhận ngọn đèn cậu thả, mà để cho hà bá nuốt chửng. Cậu thả rất nhiều lần, mà lần nào cũng vậy cho nên cứ thả xong là tức tối, huơ tay huơ chân thề không bao giờ thả đèn sông nữa.

Sau này lớn hơn một chút, cũng hiểu thêm rất nhiều chuyện, chàng chỉ là bình tĩnh chấp nhận, bình tĩnh sống tiếp cuộc đời này. Thời gian loạn lạc lúc thiếu niên giờ chàng cũng không còn nhớ rõ nữa, chỉ cảm giác nó đã xảy ra lâu lắm rồi, bình thường cũng chẳng dễ nói ra. Đến khi lấy vợ, từ chỗ thê tử mới biết được cuộc chiến thảm khốc ngoài thành Dương Châu ngày xưa, thay triều đổi đại nào dễ tránh khỏi máu tanh.

Chiến tranh khiến chàng mất đi cha mẹ, nhưng giờ nhờ quan nội và Tây cương thông suốt, chàng mới hay họ vẫn còn sống, chẳng may thời gian vô tình đã qua những hai mươi bảy năm.

Lúc ấy, triều đình tự lo cho mình còn không xong, ngay cả Quan Trung cũng không giữ nổi, làm gì còn thừa sức lực để ý đến Tây cương xa xôi. Họ từng cử người đưa tin về triều, nhưng gặp chuyện bất ngờ chẳng thể quay lại. Nhiều năm sau, lại cử người đưa tin lần nữa, lần này Đại Chu …đã hoàn toàn diệt vong.

Tin tức duy nhất mà họ nhận được là “Đại Chu đã mất, vài năm trước triều đình đã vứt bỏ Tây cương.”

Con đường về phía đông quanh co thăm thẳm, Kỳ Liên Sơn xuống ngựa vó leng keng, hai mươi bảy năm, Cam châu, Túc châu, Lương châu, toàn bộ mười hai châu thuộc vùng Hà Lũng đều được thu hồi. Cuối cùng Tây Nhung đã nhường lại Lũng Hữu, Đại Tán quan cũng mở cửa đón chào.

Đường chinh Tây hai mươi bảy năm chia cắt, cuối cùng cũng có thể giành lại non sông.

Từ Dương Châu họ đến Kiếm Nam, sau đó đi theo hướng bắc đến Lũng Hữu, rồi tiếp tục đi theo hướng tây bắc, đấy chính là Tây cương Đại Châu. Nơi này dù là phong cảnh, hoa màu hay khí hậu đều hoàn toàn khác xa Giang Nam, có người nói tiếng Tây Nhung, có người nói tiếng Quan Thoại, khẩu âm cũng đặc biệt thú vị.

Ngày họ đến được trị sở Sa châu thì trời đã vào thu, dọc đường cây trái trĩu cành, nho tròn mẩy ngọt lịm. Vương Du Ninh nhìn thê tử ăn nho, sau đó đưa cho nàng chiếc khăn: “Đến khách quán chúng ta trọ lại một đêm rồi tiếp tục lên đường.”

Thê tử gật đầu, mang theo hành lý tùy thân xuống xe. Hai người vào quán trọ nghỉ ngơi. Thê tử chàng ngồi còn chưa ấm chỗ đã vội vàng lấy giấy bút ra viết thư cho cha mẹ em trai em gái ở nhà.

Hai vợ chồng này một người là nhà thư pháp trẻ tuổi nổi danh Giang Hoài, người còn lại cũng là nữ tài tử thư pháp có chút danh tiếng của Hà Bắc, ngày thường đã chẳng thiếu những lần so tài thi đấu. Vương Du Ninh ngồi bên cạnh nhìn nàng viết thư nhà, nàng viết một lúc thì dừng bút hỏi: “Hôm nay ta viết gia thư mà chàng cũng muốn xem à?”

Vương Du Ninh lập tức đứng dậy, cười nói: “Ta đi chuẩn bị cơm tối.”

Nơi này ngày dài đêm ngắn, ráng chiều hôm nay vẫn nấn ná đến tận bây giờ. Bên ngoài dịch quán có tiếng người hô ứng, Vương Du Ninh ló đầu ra nhìn, chàng trông thấy một cô bé chừng mười mấy tuổi đang đánh cờ cùng một ông lão, cả đám người vây xung quanh tò mò.

Ván cờ kết thúc tuyệt hảo, thế nên mọi người xung quanh cũng tự nhiên khen ngợi, cô bé đứng dậy, khom người chắp tay vái: “Đa tạ tiền bối!”

Ông lão râu bạc trắng mỉm cười, ngẩng đầu nhìn nàng: “Vương tướng quân đúng là sinh được một đứa bé ngoan, không thua ai cái gì bao giờ, ngay cả lão đây cũng chịu thua kém. Nào, bảo Tam nương làm chút thức ăn ngon cho con đi.”

“Hay quá! Ra ngoài đã lâu, cái con nhớ nhất là tài nghệ nấu nướng của Tam nương.” Bên cạnh có người cười, người nọ dùng tiếng Tây Nhung hỏi nàng vài câu, nàng đáp lại rất lưu loát. Sau đó lập tức xoay người bước vào quán trọ, cười khanh khách xông thẳng xuống nhà bếp, trò chuyện cùng Tam nương một hồi mới nhảy chân sáo ra ngoài.

Lúc này Vương Du Ninh mới nhìn rõ mặt cô bé.

Khuôn mặt phấn khởi tràn đầy năng lượng kia nhìn hơi quen mắt, Vương Du Ninh nhìn đến thất thần đến khi đối phương cũng để ý đến chàng. Dường như cô bé cũng cảm thấy trông chàng rất quen, bèn quan sát một lúc. Sau đó nàng tìm một cái bàn trống ngồi xuống chờ thức ăn mang lên, vừa hay Vương Du Ninh cũng ngồi chếch phía đối diện với nàng.

Cuối cùng vẫn là thiếu nữ kém nhẫn nại hơn: “Ngài đến Sa châu làm ăn à?”

“Không, ta đến tìm người thân.” Vương Du Ninh đáp.

Thiếu nữ tỏ vẻ mặt kinh ngạc: “Ồ! Gia đình ngài ở đây ư? Ta nghe thấy giọng ngài giống người Giang Hoài, ngài là người Giang Hoài à?”

“Muội nghe được khẩu âm Giang Hoài, chẳng lẽ đã từng đến đó rồi sao?”

Vương Du Ninh hỏi ngược lại.

“Chưa ạ.” Thiếu nữ đáp, “Nhưng muội vừa đến Trường An, lần sau có thể muội sẽ đến Giang Hoài, mẹ nói đợi có thời gian rảnh sẽ đi cùng muội.”

“Mẹ muội bận lắm à?”

Thiếu nữ gật đầu, nét mặt cũng thoáng buồn.

Mẹ nàng gần như đã dồn hết tâm huyết xây dựng Tây cương, câu có thời gian rảnh sẽ đi của bà nàng chẳng biết phải đợi đến lúc nào.

“Vừa nãy ta nghe nói, muội là con cái nhà Vương Tướng quân.” Chàng ước chừng tuổi tác rồi cẩn thận hỏi: “Muội là con út nhà Vương Tướng quân à?”

Thiếu nữ hơi kinh ngạc, sau đó lập tức gật đầu, nàng sảng khoái đáp: “Vâng, muội là con út!”

“Vậy muội tên gì?”

“A La, mọi người đều gọi muội như vậy.”

A La.

Vương Du Ninh thầm nhắc lại cái tên này trong lòng, chàng cầm lấy ấm nước rót một chén nước cho nàng. A La nhận lấy, nói cám ơn sau đó lại nhìn Vương Du Ninh, nàng bỗng cảm thấy người này thật kỳ lạ, nhưng lại không biết là kỳ lạ ở chỗ nào.

Vương Du Ninh ngồi nghiêm chỉnh, từ đầu đến chân đều toát ra vẻ ôn hòa vững chãi, xuất thân và vùng đất Giang Nam đã nuôi chàng trở thành một con người như vậy, ung dung từ tốn, dường như trời có sập xuống cũng không thể phiền tới chàng, vì chàng chỉ cần giơ hai tay lên là có thể chống đỡ cả bầu trời.

Cậu từng nói chàng có rất nhiều điểm giống cha mẹ mình, vậy còn điểm không giống thì sao? Là vẻ hoạt bát hay dũng cảm tự nhiên trên người thiếu nữ trước mắt ư?

Thiếu nữ bỗng nói: “Ta cảm thấy ngài trông rất giống nhị ca và tỷ tỷ của ta.”

“Nhị ca và tỷ tỷ ư?”

“Vâng, Nhị ca và tỷ tỷ của ta là một cặp song sinh long phượng, sau nữa là Tam ca, cuối cùng chính là ta.” Nàng đột nhiên lại kể chuyện nhà với “người ngoài”.

“Vậy còn, Đại ca đâu?”

“Mẹ muội nói huynh trưởng hoặc là ở Trường An hoặc là ở Dương Châu, nhưng muội vừa từ Trường An về, không có tin gì của huynh ấy cả. Muội nghe người ta nói, năm đó Đại ca đã theo cậu đến Dương Châu. Muội nghe nói cậu là người thâm tình, chắc là sẽ ở lâu tại Dương Châu, nên lần tới muội sẽ tới Giang Hoài. Cậu là thương nhân, chắc có rất nhiều người biết cậu, muội nghĩ…không khó tìm lắm đâu.”

Thế giới mênh mông, tìm người bị chia cách mấy chục năm giống như tìm một chiếc thuyền côi giữa mịt mùng sóng lớn.

Cũng may, là còn có thể gặp lại.

Vương Du Ninh lại hỏi: “Muội đến Trường An còn làm gì nữa không?”

“Ăn!” Nụ cười thỏa mãn bừng nở trên gương mặt trẻ trung, nhưng nàng bất chợt tiu nghỉu: “Muội đến ăn thay cha mẹ. Trước khi đi muội hỏi mẹ nhớ nhất cái gì ở Trường An, mẹ nghĩ rất lâu, sau đó mới bảo muội món mì tẩm nước cốt lá hòe, thế nên muội đã ăn tận ba chén.”

Một chén ăn thay mẹ, một chén ăn thay cha, chén cuối cùng mới là ăn cho chính mình.

Hai người càng nói càng hợp ý, từ chuyện hiện tại tới quá khứ, từng chữ từng lời đều xuất phát từ trái tim nồng nhiệt đã đi qua tháng năm vô tình.

Hôm nay giao thương ở Tây cương đã thông suốt, buôn bán với bên ngoài cực kỳ náo nhiệt, trăm họ sống sung túc đủ đầy, kinh tế phát triển.

Lúc này đã cách thời điểm Đại Chu diệt vong rất rất lâu.

Mặt trời treo trên đỉnh đầu cuối cùng cũng chìm xuống chân trời, hoàng hôn bao phủ khắp nơi, A Tê đột ngột nhớ tới thê tử ở trên lầu còn chưa ăn cơm.

Chàng đứng dậy định cáo từ, nhưng khựng lại, sau đó lấy từ trong ngực ra một hộp gấm đưa cho A La.

A La nhận lấy trong lòng đầy hoài nghi, nàng mở ra nhìn, bên trong là một cái khóa nhỏ bằng bạc nằm im lìm, vừa nhìn thấy thì nàng như ngờ ngợ được gì đó.

“Xin giúp ta gửi cái này, cho mẹ muội.” Vương Du Ninh nghiêm trang nói.

“Sao cơ?” A La ngước lên.

“Bà ấy sẽ hiểu.” Vương Du Ninh nở nụ cười hờ hững, chàng nghĩ tới chuyện gặp mặt Hứa Tắc sau hôm nay, trong lòng bỗng tràn đầy mong đợi.

Chiếc khóa bạc này là vào lúc chàng trăm ngày được người ta tặng, sau đó mẹ đã đeo lên cho chàng.

Đây là đồ vật duy nhất giữa hai mẹ con chàng.

Dường như A La đã mơ hồ đoán được một vài chuyện, nàng nhận lấy hộp gấm, sau đó xoay sang nhận mâm cơm trong tay Tam nương, vẫn đứng nói chuyện với Vương Du Ninh: “Muội sẽ chuyển giúp huynh.” Lại nói: “Hy vọng có thể gặp lại.”

Vương Du Ninh chỉ cười nhẹ không đáp, rốt cuộc vẫn không nhịn được giơ tay khẽ vỗ vỗ lên đầu nàng.

A La rụt đầu, cười toe toét, nhìn theo bóng chàng thong thả tiến vào nhà bếp, bưng mâm thức ăn ra bước lên lầu.

Chàng băng qua hành lang yên tĩnh, đẩy cửa vào phòng, đặt mâm cơm xuống, cuộn lại bức thư thê tử viết đã khô mực, sau đó gọi nàng đang ngủ gật trên án: “Anh Nương, ăn cơm thôi.”

Chạng vạng gió bắt đầu thổi, nhiệt độ chênh lệch khác hẳn ban ngày, nhưng kỳ lạ thay nó khiến lòng người an ổn.

Chàng sợ thê tử vừa thức giấc bị cảm, bèn đứng dậy định ra đóng cửa sổ.

Lúc chàng vươn tay theo bản năng ngẩng đầu lên, chợt thấy cả bầu trời đầy sao nhấp nháy.

Chàng chợt ngẩn người.

Hai mươi bảy năm, chàng không biết cha anh đời trước đã phải vượt qua xuân thu đằng đẵng ấy như thế nào.

Hôm nay, núi sông còn ở đây, thiên hạ thái bình.

【Hoàn】

Hoàn cả hai bộ dài hơi trong năm nay luôn:v

Muốn khóc quá mn ơi kkk

Mình đang beta lại đến chương 22 rồi nha, tiến độ có cập nhật trên trang mục lục nè:))))

Trước/110Sau

Theo Dõi Bình Luận