Saved Font

Trước/19Sau

Đẹp Và Buồn

Chương 02 - Part 1

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Kiểu Màu
Chương 02: Mùa xuân sớm

Oki đứng trên đỉnh đồi ngắm ráng chiều đỏ rực. Hôm nay, ông đã ngồi bàn giấy đến một giờ trưa. Viết xong đoạn truyện nhiều kỳ cho nhật báo chiều, ông đứng dậy đi ra khỏi nhà.

Phía tây, trời mỗi lúc một rực đỏ. Màu tía nhiều cung bực đến nỗi ông nghĩ phải có lớp mây mỏng hay sương khuếch xạ mới ra như vậy. Ráng trời hừng hực làm lòng ông thao thức. Rồi màu nhạt tối dần chuyển sang màu đậm, nhòe nhoẹt như ai cầm cây cọ lướt trên mặt giấy ướt. Ông nghe mùa xuân sắp tới.

Có chút hồng tại một khoảng chân trời, có lẽ chính nơi mặt trời vừa lặn. Oki nhớ đến chuyến tầu đầu năm đi thăm Kyoto, mặt trời lặn làm đường rày đỏ như son suốt một khoảng dài. Tầu chạy ven biển, khi rẽ vào bóng râm của núi, màu đỏ của đường rày tắt đi. Khi tầu vào đến trong khe thì chiều đổ xuống.

Oki nhớ đến cuộc tái ngộ với Otoko chuyến đi ấy. Ông lại cảm thấy mình chưa thành người dưng, dù nàng có đem học trò và hai cô ca kỹ theo để tránh gặp lại ông một mình. Ông nhớ trên đường từ tu viện Chion ngang qua đại lộ số bốn, mấy người đàn ông say rượu làm bộ muốn sờ búi tóc cao của hai cô ca kỹ. Thường thường ở Kyoto đàn ông không bờm xơm như vậy. Để che chở cho đám phụ nữ, Oki bước sát bên các cô, dành cho Otoko và Keiko đi sát đằng sau.

Ông nhớ hôm Tết khi sắp lên tầu, ông đang tự nhủ Otoko chắc bận sẽ không tiễn ông, thì Sakami Keiko bước tới.

«Chúc mừng năm mới! Cô Ueno em cũng muốn đi tiễn ông lắm, nhưng như mọi năm, sáng mồng một, cô em phải đi thăm người nọ người kia. Lại còn phải đón tiếp khách khứa tại nhà. Em được thay mặt cô em ra ga tiễn ông.»

«Vậy sao? Em thật là ngoan.»

Nhan sắc của cô gái làm đám hành khách thưa thớt của ngày đầu năm chú ý. Ông lại nói:

«Đây là lần thứ hai mà tôi phiền em. Bữa trước đã đến khách sạn đón, hôm nay lại ra ga đưa.»

«Không, ông không có gì phiền em cả.»

Keiko mặc nguyên chiếc kimono xa-tanh xanh hôm qua có minh họa mấy con choi choi chơi đùa trong tuyết. Màu lông chim tươi vui, nhưng với tuổi cô bé, y phục như vậy thì hơi kín đáo và tẻ cho ngày Tết. Ông khen:

«Áo em đẹp quá! Cô Ueno vẽ cho em phải không?»

Thoáng đỏ mặt, Keiko nói:

«Dạ thưa không. Chính tay em vẽ đấy, nhưng em biết em vẽ cũng còn xoành xĩnh lắm...»

Thật ra màu áo hơi nhũn lại làm khuôn mặt cô gái đẹp hơn. Có gì rất trẻ trung trong sự hòa hợp các màu, trong hình thể những con chim, và ngay trong những bông tuyết như đang nhảy múa.

Keiko trao ông gói đồ ăn Otoko biếu, cùng ít dưa muối đặc sản của Kyoto.

«Cô em gửi để ông dùng trên tầu.»

Trong mấy phút tầu chưa chạy, Keiko đứng nán lại dưới sân ga. Ngắm bán thân Keiko qua khung cửa sổ, ông thấy người con gái như trái cây chín tới. Ông chạnh nghĩ ông chưa bao giờ được thấy Otoko khi nàng vừa mãn khai. Xa nhau, nàng mới mười bảy, gặp lại hôm rồi nàng đã bốn mươi.

Ông mở gói đồ ăn khi trời còn sáng, lúc mới bốn rưỡi chiều. Trong gói có mấy món ăn ngày Tết, và những nắm cơm nhỏ mà ông đoán nàng đã tự tay nắm với tất cả ân cần. Otoko đã sửa soạn bữa tối này cho con người năm xưa đã hủy hoại tuổi xuân của nàng. Nhai từng miếng cơm nhỏ, ông cảm thấy trong miệng cái vị ngọt ngào của tha thứ. Rồi ông nghĩ đây không phải là tha thứ mà là tình yêu, cái tình yêu còn sống trong tim Otoko.

Từ ngày Otoko theo mẹ về Kyoto, ông chỉ biết là nàng đã thành một danh họa. Có thể nàng đã có những mối tình khác, những liên hệ khác. Tuy nhiên, mối tình tuyệt vọng đam mê tha thiết của cô gái nhỏ, mối tình ấy nàng đã dành cho ông. Còn đời ông, sau Otoko đã có nhiều người đàn bà khác. Nhưng ông chưa yêu ai bằng một tấm tình nặng thương đau như yêu nàng. Cơm nắm của Otoko rất ngon, chắc phải nấu bằng gạo Kansai. Ông ăn hết nắm này đến nắm khác, cơm thật vừa miệng, không mặn mà cũng không nhạt.

Từ ngày Otoko theo mẹ về Kyoto, ông chỉ biết là nàng đã thành một danh họa. Có thể nàng đã có những mối tình khác, những liên hệ khác. Tuy nhiên, mối tình tuyệt vọng đam mê tha thiết của cô gái nhỏ, mối tình ấy nàng đã dành cho ông. Còn đời ông, sau Otoko đã có nhiều người đàn bà khác. Nhưng ông chưa yêu ai bằng một tấm tình nặng thương đau như yêu nàng. Cơm nắm của Otoko rất ngon, chắc phải nấu bằng gạo Kansai. Ông ăn hết nắm này đến nắm khác, cơm thật vừa miệng, không mặn mà cũng không nhạt.

Ông lại nhớ mới mười bảy tuổi, hai tháng sau khi đẻ non và toan tự vận, Otoko đã phải vào nhà thương điên và bị nhốt trong căn phòng cửa sổ có chấn song sắt. Bà mẹ cho ông hay tin nhưng không cho ông tới thăm. Bà nói:

«Ông có thể nhìn nó từ hành lang, nhưng tôi mong ông không nên thấy con bé trong hoàn cảnh này... Nếu nhận ra ông, tâm thần nó lại dao động mà bệnh tình nặng ra.»

«Bà nghĩ em còn nhận được ra tôi?»

«Tất nhiên. Không phải vì ông mà nó ra nông nỗi này sao?»

Oki không trả lời. Bà mẹ lại nói:

«Nhưng họ bảo con tôi chưa điên hẳn. Bác sĩ trấn an tôi rằng ông ta sẽ không giữ nó lại lâu... Nó hay làm như thế này này. «Bà cong cánh tay làm bộ như đang bế một hài nhi.» Tội nghiệp, nó vẫn nhớ con nó.»

Ba tháng sau, Otoko xuất viện. Bà mẹ tới gặp ông.

Bà nói:

«Ông Oki, tôi biết ông đã có vợ con, và con Okoto khi làm bạn với ông cũng không phải không biết điều này. Còn nữa, chắc ông nghĩ là tôi điên, vì chừng này tuổi đầu mà dám xin ông một chuyện vô lý, nhưng mà...»

Bà lắp bắp nói tiếp:

«Có thể nào ông lấy con gái tôi được không?»

Nói xong bà cắn chặt môi, cúi đầu, nước mắt ứa ra. Oki đau khổ nói:

«Tôi cũng vẫn nghĩ chuyện này.»

Tất nhiên là đời sống vợ chồng Oki đã sóng gió vì chuyện Otoko. Fumiko vợ ông hồi đó mới hai mươi tư tuổi...

«Chao ôi, đã bao lần tôi đã nghĩ đến chuyện này...» ông nhắc lại.

Bà mẹ nói:

«Ông hoàn toàn có quyền bỏ ngoài tai điều tôi vừa xin ông, và nghĩ như con tôi, là tôi điên mất rồi. Tôi hứa sẽ không bao giờ nhắc lại lần nữa thỉnh cầu này... Nhưng tôi không muốn nói là tôi xin ông cưới con Otoko ngay bây giờ. Nó có thể đợi ông hai năm, ba năm, năm năm, hay bảy năm cũng vậy. Nó là loại con gái biết đợi. Nó mới mười bảy...»

Nghe bà nói, ông nghĩ Otoko đã thừa hưởng được cái đam mê của mẹ.

Chưa đầy năm sau, bà mẹ bán nhà ở Tokyo để dọn về Kyoto với con gái. Otoko theo học một trường trung học nữ, trễ mất một lớp. Tốt nghiệp, nàng ghi tên vào trường Mỹ thuật.

Hai mươi năm sau, ông mới có dịp ngồi với Otoko nghe chuông giao thừa tu viện Chion, và nàng mới có dịp gởi ông mấy món ăn nguội mang theo lên tầu. Gắp đồ ăn lên miệng, ông nghĩ món nào Otoko nấu cũng đúng theo truyền thống Kyoto. Ông đã ăn bữa điểm tâm gọi là tết tại khách sạn Miyako, nhưng món canh bánh dày nóng của họ chỉ tết cho có lệ. Phải nói hương vị tết của ông nằm cả trong bữa ăn nguội nàng gửi cho ông mang theo lên tầu. Còn những bữa cơm ngày tết tân thời người ta dọn cho ăn ở Kamakura thì không còn gì là Nhật nữa, mà làm cho ông liên tưởng đến những tấm ảnh màu của mấy tập san phụ nữ.

Hai mươi năm sau, ông mới có dịp ngồi với Otoko nghe chuông giao thừa tu viện Chion, và nàng mới có dịp gởi ông mấy món ăn nguội mang theo lên tầu. Gắp đồ ăn lên miệng, ông nghĩ món nào Otoko nấu cũng đúng theo truyền thống Kyoto. Ông đã ăn bữa điểm tâm gọi là tết tại khách sạn Miyako, nhưng món canh bánh dày nóng của họ chỉ tết cho có lệ. Phải nói hương vị tết của ông nằm cả trong bữa ăn nguội nàng gửi cho ông mang theo lên tầu. Còn những bữa cơm ngày tết tân thời người ta dọn cho ăn ở Kamakura thì không còn gì là Nhật nữa, mà làm cho ông liên tưởng đến những tấm ảnh màu của mấy tập san phụ nữ.

Otoko tuy bận rộn như Keiko đã cho hay, vẫn có thể dành mươi mười lăm phút ra ga tiễn ông. Nhưng nàng đã không làm. Cũng như hôm qua trước mặt mọi người, nàng đã không nhắc được chuyện cũ, nhưng rõ ràng là có luồng điện giữa ông với nàng. Bữa ăn nguội hôm nay cũng cùng một ý nghĩa...

Tầu sắp chuyển bánh, ông vỗ nhẹ vào cửa kính. Sợ Keiko không nghe thấy, ông hạ kính xuống vài phân. Ông nói với cô gái:

«Cảm ơn em lần nữa. Có gia đình ở đấy, chắc em thường đi Tokyo phải không? Vậy thì bao giờ có dịp, em ghé thăm ta nhé. Em tìm nhà ta chắc cũng dễ thôi. Kamakura là tỉnh nhỏ, ra khỏi ga, em chỉ cần hỏi đường là tới. À mà em cho ta xem tranh của em nhé. Những tấm tranh mà cô Ueno gọi là tranh điên ấy.»

«Ôi, cô em làm em ngượng quá.»

Ánh mắt cô gái thoáng vẻ khác thường.

Oki nói:

«Nhưng cô Ueno có muốn vẽ điên như em, chắc gì đã vẽ được, phải không?»

Tầu ngừng không lâu, và câu chuyện hai người cũng phải ngắn gọn.

*

Oki đã viết nhiều truyện, khai triển cái đặc biệt cái bất thường, nhưng cho đến bây giờ, ông chưa sáng tác những tác phẩm gọi là «trừu tượng». Chỉ vì một số từ ông dùng khác với ngôn ngữ hàng ngày mà người ta gọi mấy tác phẩm của ông là «ấn tượng» hay «trừu tượng». Thủa trẻ, Oki đã để tâm chế ngự xu hướng văn học gọi là trừu tượng hay ấn tượng này trong văn ông. Chẳng qua là tại ông thích thơ ấn tượng Pháp, thơ Shin-Kokin-Shu, thơ hài cú, và ông đã tập dùng những từ ấn tượng hay trừu tượng để diễn tả chuyện cụ thể hay hiện thực.

Ông tự hỏi là Otoko bằng da bằng thịt liên hệ thế nào với Otoko nhân vật tiểu thuyết của ông? Sự việc thật ra không giản dị. Trong cả văn nghiệp của ông, tác phẩm sống lâu nhất và vẫn còn nhiều người đọc bây giờ là cuốn tiểu thuyết kể lại mối tình của ông với nàng hồi nàng mới mười sáu mười bảy. Từ khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã làm Otoko thiệt thòi vì người đời soi mói. Nó đã cản trở không ít những cơ hội hôn nhân của nàng.

Nhưng vấn đề là bây giờ, sau hơn hai mươi năm, nhân vật Otoko vẫn còn quyến rũ độc giả. Nhân vật có lẽ quyến rũ hơn là người mẫu. Nó không hiện thực là chân dung Otoko mà hoàn toàn do ông tạo ra. Là tác giả, ông đã thêm thắt, đã hư cấu, đã lý tưởng hóa nhân vật.

Bỏ sang bên chuyện ai quyến rũ hơn ai, ông không biết cô Otoko nào thật hơn, cái cô ông tạo ra hay cái cô mà chính Otoko sẽ tạo ra nếu nàng tự kể chuyện mình.

Tuy nhiên nhân vật truyện ông vẫn là Otoko. Không có nàng thì cuốn tiểu thuyết này đã chẳng bao giờ ra đời. Chính nhờ nàng, mà tiểu thuyết của ông sau hai mươi năm vẫn tiếp tục được đọc. Nếu không gặp Otoko, Oki đã không được sống với một mối tình như vậy.

Ông không biết gặp nàng, yêu nàng khi ông ba mươi mốt tuổi là may mắn hay tai họa cho đời ông, nhưng phải công nhận rằng cuộc tình đã cho ông những bước đầu thuận lợi trên con đường văn nghiệp.

Ông đã đặt cho cuốn truyện cái tựa «Cô gái mười sáu». Cái tựa bình thường, không chút cầu kỳ, nhưng hai mươi năm trước, mọi người đã kinh ngạc vì chuyện một nữ sinh mười sáu có nhân tình, sanh con thiếu tháng, rồi mất trí một thời gian. Về phần Oki, ông không thấy có gì đáng kinh ngạc. Tất nhiên ông không viết cuốn truyện để làm kinh ngạc mọi người, và ông cũng không dùng Otoko để khêu gợi trí tò mò của độc giả.

Truyện ông dựng một cách bình thường như cái tựa bình thường, với nhân vật Otoko như một cô gái trong trắng và đam mê. Ông đã ráng sức tả khuôn mặt nàng, bóng dáng nàng, cử chỉ nàng. Ông đã đưa vào truyện tất cả cái tươi mát của tấm tình yêu đương son trẻ của ông, và có lẽ vì vậy mà tác phẩm đã thành công đến thế. Truyện ông là mối tình của cô gái nhỏ với người đàn ông trẻ đã có vợ con. Oki chú tâm đến cái đẹp và không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý.

Thời gian hai người thường lén lút hẹn hò, Otoko có lần bảo ông:

«Anh lúc nào cũng lo người ta nghĩ gì về mình. Anh phải bạo dạn lên thôi.»

Ông thành thực trả lời:

Ông thành thực trả lời:

«Anh nghĩ thật ra anh là người vô liêm sỉ. Như bây giờ với em, em nghĩ anh chưa đủ vô liêm sỉ sao?»

«Không, em không muốn nói chuyện chúng mình. Em muốn nói anh phải bạo dạn với mọi việc trên đời.»

Oki không biết trả lời sao. Bao nhiêu năm qua, ông không quên được câu nói. Ông nghĩ vì yêu ông mà cô bé mười sáu đã thấy rõ ruột gan cũng như đời sống của ông.

Sau khi xa nhau, ông đã xử lý mọi chuyện theo ý mình. Mỗi lần bắt đầu e ngại ý kiến người khác, ông lại nhớ lời cô bé dặn, và thấy lại rành mạch trong đầu nét mặt Otoko khi nàng khuyên ông. Hôm ấy Oki đang vuốt ve Otoko, câu nói làm ông khựng lại. Nghĩ mình lỡ lời, cô bé úp mặt vào cánh tay ông và cắn ông ngang chỗ khuỷu tay. Cô bé cắn mỗi lúc một mạnh. Oki cắn răng chịu, không giằng tay ra. Ông nghe nơi cánh tay những giọt nước mắt nóng hổi của cô gái.

«Em làm anh đau!»

Sau cùng, Oki kéo tay mình ra. Những vết răng Otoko cắn sâu vào da lấm tấm rướm máu. Otoko liếm vết thương cho ông. Cô nói:

«Anh cắn lại em đi.»

Oki ngắm cánh tay cô bé, nhẹ vuốt từ vai xuống mút bàn tay. Cánh tay ông ngắm là cánh tay trẻ con. Ông ôm vai cô hôn, cô gái vặn mình khoái cảm.

Không phải vì Otoko chê ông câu nệ miệng tiếng và khuyên ông phải bạo dạn mà ông khởi sự viết «Cô gái mười sáu». Nhưng khi đã viết thì ông thường nghĩ đến lời cô nói. Cuốn truyện ra đời hai năm sau khi hai người xa nhau. Otoko bấy giờ đang ở Kyoto với mẹ. Bà mẹ đã rời Tokyo có lẽ vì không thấy ông trả lời dứt khoát chuyện hôn nhân với con bà. Mà có lẽ cũng vì bà không chịu nổi cái đắng cay của hai mẹ con tại thành phố quá nhiều ưu phiền này.

Ở Kyoto, hai mẹ con nghĩ gì khi đọc cuốn truyện với Otoko là nhân vật chính, cuốn truyện đã làm ông nổi tiếng, càng ngày càng đông độc giả. Lúc đó, không ai tọc mạch tìm hiểu người mẫu của truyện là ai. Mãi cho đến khi ông năm mươi và thành danh, người ta mới đào sâu vào đời tư của ông và xác định Otoko là nhân vật chính của «Cô Gái Mười Sáu». Lúc ấy bà mẹ đã qua đời.

Bây giờ thì sự liên hệ giữa người và truyện lại càng rõ rệt khi chính Otoko cũng đã trở nên một họa sĩ tiếng tăm. Người ta đăng hình nàng trong các tập san, với thuyết minh đây là nhân vật nữ của «Cô gái mười sáu». Oki nghĩ Otoko có thể từ chối nếu nhà báo chụp nàng như người mẫu của truyện ông, nhưng nàng không thể làm gì khác hơn là chịu trận nếu họ chụp nàng như một danh họa. Tất nhiên nàng đã không tiết lộ cảm nghĩ của nàng về cuốn truyện. Ngay cả lúc sách mới ra, ông không nghe hai mẹ con phản ứng gì.

Phần ông, ưu phiền vì cuốn sách bắt đầu ngay tại gia là chuyện dễ hiểu. Trước khi lấy ông, Fumiko làm thư ký đánh máy ột hãng thông tấn, nên ông dành ngay cho cô vợ trẻ việc đánh máy bản thảo của mình. Sự việc tưởng như trò chơi yêu đương của đôi vợ chồng, hóa ra phức tạp hơn nhiều. Lần đầu thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên tạp chí, Oki đã ngạc nhiên vì sự khác nhau giữa bản thảo viết tay và tác phẩm đã in. Có những đoạn khi còn trong thủ bút tưởng như tầm thường, trở nên khác hẳn khi in ra sách. Về sau nhiều kinh nghiệm viết lách hơn, ông tự nhiên đoán được khi đọc bản thảo viết tay, truyện sẽ như thế nào một khi in ra. Không phải khi viết ông cố gắng hay cố ý, mà ông cũng không mảy may để tâm, sự cách biệt giữa thủ bút và bản in không còn nữa. Ông đã biết cách viết như thể thấy trang truyện đã in đặt ngay trước mắt. Phải chăng ông đã nắm được kỹ thuật nghề văn.

Ông thường nói với những nhà văn trẻ, «Các cậu nên cho in vài trang bản thảo của mình mà xem. Bản in sẽ khác bản thảo hoàn toàn, và các cậu sẽ không ngờ sự khác nhau giữa chữ in và thủ bút lại dạy cho ta nhiều điều hay như vậy...»

Sách vở thời nay in bằng mẫu tự khổ nhỏ li ti. Nhưng Oki đã tìm được thú vui ngược lại. Chẳng hạn như ông đã đọc nhiều lần Truyện Gengi, loại sách bỏ túi in chữ nhỏ, nhưng khi tình cờ tìm được một ấn bản xưa chữ lớn khắc gỗ thì sự thưởng lãm hoàn toàn khác hẳn. Ông tò mò nghĩ những người đọc tác phẩm này vào thời Heian qua một ấn bản tuyệt vời bằng mẫu tự Kana thì đã thưởng lãm như thế nào. Thơ phú thời Heian cũng vậy. Với các tác phẩm về sau, Oki đã gắng tìm đọc những thạch bản của Saikaku, không phải vì hoài cổ mà vì muốn thật gần với bối cảnh hiện thực của văn bản. Nhưng bây giờ mà đọc thủ bút của những tác giả đương thời viết nguệch ngoạc ra để in máy, thì quả thật là tìm cái tinh tế không phải chỗ.

Khi cưới Fumiko thì ông không còn thấy khác biệt giữa bản thảo của mình và sách đã in ra. Chẳng qua là Fumiko có nghề đánh máy thì ông giao cho vợ đánh máy tác phẩm của ông. Chỉ có mỗi lợi điểm là dù sao bản đánh máy lạnh, nên giúp cho ông khách quan để bắt được những khuyết điểm cần hiệu đính. Vì vậy mà ông giao tất cả bản thảo của mình cho vợ.

Nhưng lẽ nào ông để vợ đánh máy «Cô Gái Mười Sáu»? Giao cho vợ bản thảo, ông có thể làm nàng mất thể diện và đau buồn. Như vậy thì tàn nhẫn quá. Khi ông gặp Otoko, vợ ông mới hai mươi hai và vừa sanh con trai đầu lòng. Tất nhiên nàng nghi ngờ và ghen. Có khi ban đêm nàng địu con lên vai đi lang thang dọc con đường hỏa xa gần nhà. Một hôm nàng vắng mặt suốt hai giờ đồng hồ, Oki đi tìm thì thấy vợ ngồi tựa cây mận già ngoài vườn nức nở khóc. Nàng nhất định không chịu vào nhà.

Ông la vợ:

«Em làm gì ngoài này. Con nó cảm hàn mất thôi.»

Tiết trời giữa tháng ba còn lạnh giá. Thằng bé sưng phổi phải nhập viện. Fumiko ở luôn nhà thương chăm con. Nàng nói với chồng, «Nó có chết thì càng tiện cho anh. Như vậy, anh có bỏ em cũng dễ.» Ngay cả trong lúc gia cảnh bối rối như vậy, Oki cũng không bỏ lỡ dịp đi gặp Otoko. Vậy mà sau cùng, đứa con cũng được cứu sống.

Trước/19Sau

Theo Dõi Bình Luận