Saved Font

Trước/49Sau

Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 49: Cánh Chim Bằng​

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Kiểu Màu
Vết thương cũ? Tôi nhìn chằm chằm vào cánh tay phải của Quang Bình. Hèn gì ban nãy anh ta rót nước và cầm tách trà đều bằng tay trái. Đúng rồi! Trước khi Trịnh Khải soán ngôi thất bại, tôi đã gặp Quang Bình, lúc đó anh ta đã bị thương ở cánh tay. Sau vì chuyện của Trịnh Khải, tôi cũng quên mất.

- Công tử đã lấy đạn ra chưa? – Tôi thật sự lo lắng cánh tay anh ta sẽ bị thối rữa.

- Đã lấy ra rồi. – Quang Bình gật đầu. – Nhưng vết thương vẫn chưa hoàn toàn lành miệng.

Nếu đã lấy đạn rồi mà gần một tháng trời vết thương vẫn chưa lành, tôi sợ rằng vết thương của anh ta không được xử lý tốt, có khi bị nhiễm trùng cũng nên. Dù sao ở thời đại này, y học vẫn không thể so với hiện đại được.

- Bị thương thì nên ở nhà chăm sóc cho lành hẳn rồi đi chứ. Trời mưa thế này nếu thấm vào vết thương lại càng khó lành hơn.

Quang Bình tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Không ngờ nàng thật sự quan tâm đến tôi như vậy?

Tôi hừ một tiếng, trừng mắt nhìn anh ta. Tuy Quang Bình là tướng quân của Tây Sơn, tính cách có phần cao ngạo và hay trêu đùa nhưng anh ta chưa từng làm hại tôi, vài lần còn giúp đỡ, cho nên từ lúc nào tôi đã xem anh ta như một người bạn.

Quang Bình thấy thế thì cười cười, bỗng đưa tay xoa đầu tôi:

- Không cần e thẹn đâu.

Hất tay anh ta ra, tôi hờ hững trả lời:

- Ai nói tôi e thẹn? Trời sắp tạnh mưa rồi đấy, công tử mau đi đi.

Không ngờ anh ta lại gật gù:

- Đúng là nên đi rồi.

Tôi đi theo Quang Bình ra ngoài cửa phòng. Lúc này mưa đã ngớt, chỉ còn thưa thớt những sợi mưa nhỏ và dài. Trước hiên nhà, nước mưa nhỏ xuống nền gạch tạo thành những chiếc vương miện nước nhỏ li ti thay nhau ẩn hiện. Trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi, Quang Bình lấy chiếc áo tơi và nón lá được giấu sau chậu cây hoa nhài kê sát phòng tôi ra rồi mặc lên người, bên ngoài chiếc áo vẫn còn vài ba giọt nước mưa nhỏ xuống đất. Anh ta đội chiếc nón lá tròn tròn che khuất nửa khuôn mặt, lại đưa tay xoa đầu tôi:

- Có muốn đi cùng tôi không?

Tôi lại hừ một tiếng, hất tay anh ta ra:

- Lần sau đừng đến thế này nữa.

Quang Bình gật đầu:

- Vài ngày sau nàng nhớ đến tìm tôi ở quán trà, tôi sẽ tặng nàng một món quà.

Tôi không gật đầu, không lắc đầu, cũng không nói gì. Quang Bình cười cười:

- Tôi đi đây.

- Đi cẩn thận!

- Đi cẩn thận!

Quang Bình mỉm cười coi như chào tạm biệt rồi đi đến góc tường, sau đó biến mất khỏi tầm nhìn. Tôi xách váy đến bên hông nhà xem thử anh ta trèo tường thế nào, nhưng Quang Bình không còn bóng dáng, chỉ thấy chị người hầu hay mang thuốc đến cho tôi đang ngồi tựa vào tường nhà, dáng vẻ như là… bị ngất?! Quang Bình ơi là Quang Bình, anh thật sự hại tôi mà.

Tôi lay lay chị người hầu một hồi chị ấy mới lơ mơ tỉnh lại:

- Chị có sao không?

- Tiểu thư? – Chị ta ôm lấy gáy của mình. – Sao tôi lại…

- Chắc chị bị trơn trượt nên ngã ở đây phải không? – Tôi vờ hỏi một cách thản nhiên.

Chị ta nhíu mày ôm đầu một hồi, dường như không tin là mình bị trượt chân ngã. Cũng may ở hông nhà cũng có mái che nên chị ta nằm ở đây một lúc lâu mà không bị mưa ướt.

- A, chén thuốc!!!

Tôi giật mình nhìn theo ánh mắt của chị ta, quả nhiên có một cái chén vỡ nằm gần đó, nước thuốc chỉ còn vài giọt lưu lại trên nền gạch. Nhìn sắc mặt tái mét của chị ta, tôi đành an ủi:

- Thuốc đổ rồi thì thôi, tôi cũng không thích uống. Chị mau đứng lên rồi về phòng tắm rửa đi.

Sau khi đỡ chị ta đứng dậy, nhìn chị ta bối rối đi về phía nhà ở của người hầu, tôi an tâm quay trở về phòng, cất hộp gỗ vào tủ rồi leo lên giường ngủ một giấc cho đến tối.

***

Việc hoãn lễ cưới thật sự đã khiến không khí trong phủ trầm lắng một thời gian. Huy quận công bận rộn việc ở phủ chúa nhưng hễ về đến nhà, nhìn thấy tôi là lại thở dài. Mẹ cả có lần qua phủ Viêm quận công thăm hỏi sức khỏe Trọng Chiếu, nghe đâu hắn ta uống thuốc nửa tháng đã có thể ăn được cháo. Tôi nghe Đinh Ngọc kể lại mà lăn qua lăn về trên giường cười đến sái cả quai hàm khiến chị giận, nhíu mày bỏ đi.

Tuy tôi là người vui vẻ nhất trong nhà nhưng cũng không dám thể hiện ra mặt trước quận công và mẹ cả. Thời gian còn chưa đến năm tháng nữa là đến tháng chạp, từ đây tới đó tôi phải nghĩ cách để hủy hôn. Gần đây thấy tôi ngoan ngoãn ở nhà, mẹ cả cũng không cho người giám sát nữa. Vài ba lần bà nhận được lời mời tiệc hay đám ở các nhà quan lại, bà đều dẫn tôi theo dự.

Hôm ấy phủ Hữu tham quân Nguyễn Hữu Chỉnh cũng cho người qua mời dự tiệc mừng ngài ấy bước qua tuổi bốn mươi. Lúc nghe tin, tôi đã rất ngạc nhiên. Thời này chẳng mấy ai tổ chức tiệc sinh nhật, trừ khi đó là tiệc đầy tháng, đầy năm của con. Hoặc như Nguyễn Hoàn, gia đình anh ta tổ chức tiệc mừng anh ta tròn mười bảy, thật ra chỉ là cái cớ để cha mẹ anh ta giới thiệu con trai mình trước bạn bè và đối tác làm ăn. Chẳng phải sau đó Nguyễn Hoàn đã bị ép ra cửa hàng, tập tành làm quen với sổ sách đấy thôi. Cho nên mới nói, tiệc mừng lần này của Nguyễn Hữu Chỉnh hẳn cũng có nguyên do đằng sau nó.

Chiều vừa ngả bóng, mẹ cả đã dẫn tôi theo đến phủ Hữu tham quân dự tiệc. Hai bên cổng phủ Hữu tham quân đã treo lồng đèn dù trời chưa tối hẳn, người hầu đứng sẵn trước cửa chào đón khách. Nghe mẹ cả nói, phủ này chỉ có những khi Nguyễn Hữu Chỉnh đến Thăng Long mới ở lại, bình thường ông vẫn ở trấn Nghệ An. Tôi đi sát đằng sau mẹ cả, vừa bước vào sân đã bị cảnh vật làm cho sững người.

Nếu phủ Huy quận công bày trí đơn giản, sân trước chỉ trồng vài ba cây che mát, trong phòng khách trưng bày vài món đồ có giá trị, thì phủ Hữu tham quân lại ngược lại. Sân trước có núi giả, bể nuôi cá cảnh, vài ba lồng chim treo trên cây si sát bể cá và vườn hoa cắt tỉa khéo léo, không khác gì một góc vườn thượng uyển trong phủ chúa. Có thể nói ông ta đã đầu tư không ít tiền của và tâm sức.

Một bên sân là vườn thu nhỏ, một bên sân lót gạch sạch sẽ đã được sắp xếp vài ba bộ bàn ghế gỗ, trên bàn đã có ấm trà pha sẵn và đĩa trầu têm cánh phượng. Bậc thềm được tận dụng làm sân khấu, trải một tấm chiếu cho đào nương và kép đàn ngồi.

Nhà Hữu tham quân không mời nhiều khách như tôi tưởng tượng, nếu không tính chủ nhà thì chỉ có ba gia đình đến dự. Mẹ cả vừa nhai trầu vừa nói chuyện với ba vị phu nhân còn lại. Riêng tôi ngồi một bàn riêng, vừa nhai bánh đậu xanh lót lòng, vừa nghe tên Du - con trai Hữu tham quân kể chuyện khoác lác với mấy vị tiểu thư và công tử khác trên bàn. Hắn còn đắc chí nói:

- Cha tôi vừa được phong làm Bằng quận công. Tôi vẫn chưa quen nghe mọi người gọi ông là quận công. Ha ha...

Ra là vậy. Có thể đây chính là lý do của buổi tiệc này. Tên Du còn nói thêm, lần này cả nhà hắn sẽ chuyển hẳn vào trấn Nghệ An. Mặc dù Nguyễn Hữu Chỉnh bấy lâu vẫn giữ vai trò quản thủy binh trấn Nghệ An nhưng vẫn có thời gian ra Thăng Long. Lần này có lẽ ông đã được phong tước lại thăng chức, chắc hẳn ông sẽ giữ vai trò quan trọng ở trấn Nghệ An.

- Huy quận công và Hữu tham quân đã về rồi. – Một vị phu nhân lên tiếng.

Tên Du cười cười:

- Đấy, vẫn là người ta chưa quen gọi Bằng quận công.

- Đấy, vẫn là người ta chưa quen gọi Bằng quận công.

Tôi phủi sạch vụn bánh trên tà áo rồi cũng vội đứng dậy theo mấy vị phu nhân. Đi cùng quận công và Nguyễn Hữu Chỉnh là hai vị quan khác, mọi người nói vài câu chào hỏi khách sáo rồi cùng ngồi vào bàn. Phu nhân Hữu tham quân sai người hầu dọn thức ăn và rượu. Mọi người vừa ăn uống vừa nói chuyện. Trời sẩm tối, người hầu đốt đèn sáng cả khoảnh sân.

Trong khi bàn của Huy quận công và Nguyễn Hữu Chỉnh trầm giọng bàn bạc chuyện trong triều, bàn của các vị phu nhân thì yên lặng ăn uống thì bàn của tôi lại toàn những vị tiểu thư công tử mới lớn, ăn uống sôi nổi, trò chuyện cũng ồn ào, đặc biệt là tên Du. Hắn ta trổ tài nói chuyện, kể chuyện tiếu lâm khiến mấy cô gái che miệng cười không ngớt.

Đến khi mọi người đều buông đũa, người hầu dọn bàn, mang bánh trái và trà rượu lên, bậc thềm cũng được đốt thêm vài đèn lồng. Theo như lời Đình Khuê và Đình Duệ nói thì Nguyễn Hữu Chỉnh là người văn võ song toàn, vừa có tài cầm quân, mưu lược, vừa có tài làm thơ, ca hát. Thậm chí ông còn từng dạy âm luật cho Đình Khuê. Chính vì ông đặc biệt thích ca trù nên trong nhà còn nuôi vài nàng đào nương, mỗi tháng tổ chức ca hát vài ba đêm. Huy quận công cũng vài lần qua nhà Nguyễn Hữu Chỉnh nghe hát. Thế nên lần tổ chức tiệc này tất nhiên không thể không có hát ả đào.

Tiếng trống, tiếng đàn vang lên, đào nương từ trong nhà bước ra, cúi chào rồi ngồi xuống giữa chiếu. Cả khoảnh sân chìm trong tiếng đàn, giọng hát thanh thanh của đào nương, từng chữ từng chữ tròn vành vạnh theo từng tiếng gõ phách.

“…Sông sâu sóng vỗ đá tri tri

Bóng trăng tỏ, mây đi, trời cao ngất

Người đắc thú ngâm câu cổ luật

Khách đa tình hát khúc trường ca…”

​(Trích từ bài “Chiều thu”)​

Trong sân mọi người say sưa nghe hát, thỉnh thoảng Nguyễn Hữu Chỉnh còn hát theo vài ba câu, tay vô thức gõ theo nhịp trên mặt bàn. Trăng thanh, gió mát, rượu say, trà thoang thoảng hương, tiếng đàn đáy mộc mạc, tiếng hát nghe não nùng… tất cả thật dễ khiến cho lòng người xao động. Tôi tựa hẳn người vào ghế, nghe bên tai tiếng hát của nàng ả đào như đang trải lòng:

“…Bỗng dưng đâu vướng lấy mối tơ tình

Trách con tạo đành hanh chi lắm thế

Riêng ai những nửa e, nửa lệ

Duyên trăm năm biết dễ có hay không ?

Ngổn ngang trăm mối bên lòng.”

(Trích từ bài: “Mối tơ tình”)​

Tôi ngước mặt nhìn trời đêm, tự hỏi ông trời sao nỡ lòng nào khắc nghiệt với anh như thế? Tuy từ nhỏ Trịnh Khải đã bị phụ vương ghẻ lạnh nhưng sinh ra là vương tử, anh vẫn từng có hào quang của riêng mình. Hai năm qua, anh đã nhẫn nhịn trong cảnh bị giam lỏng chỉ để chờ thời cơ thay đổi vận mệnh. Thế nhưng kết cục vẫn là không thể xoay chuyển được.

Sau âm mưu soán ngôi thất bại, dù cho Trịnh Khải có muốn từ bỏ tranh đấu vương vị thì liệu Tuyên phi có tin hay không? Quận công có thể để lại sinh mạng cho anh nhưng tự do của anh lại bị tước đoạt mãi mãi. Từ nay anh chỉ có thể sống nhẫn nhục trong ngôi nhà cũ nát bị lính canh chừng ngày cũng như đêm.

Làm sao anh có thể tiếp tục chịu đựng được cuộc sống giam cầm, ngày tháng nối dài cô đơn trong những bức tường? Liệu anh có nhẫn nhịn được cho đến ngày ra khỏi đó? Hay những góc cạnh của anh sẽ bị mài mòn cho đến khi anh biến thành một con người hoàn toàn khác? Thậm chí tôi còn sợ rằng anh sẽ giải thoát bản thân khi không thể kiên trì thêm được nữa.

Nhưng ngoài lo lắng ra, tôi có thể làm được gì? Có lẽ Trịnh Khải và tôi thật sự có duyên không phận.

Đang mông lung suy nghĩ thì tiếng trống bỗng dồn dập kéo tôi trở về với thực tại. Nguyễn Hữu Chỉnh đã thay chỗ của quan viên cầm chầu, ông vừa cười vừa gõ trống, tư thế như một nghệ sĩ thực thụ. Tiếng hát của đào nương lại cất lên:

“…Ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu;

“…Ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu;

Vào lăng miếu lại đại thần thể dạng.

Nghe văng vẳng chốn sa trung rục rịch, bảng lảng lừa then, rút máy, giải chúng tâm nâng một kẻ oán thù;

Thấy hiu hiu khi quốc bản lung lay, khoan thai rút cánh, kên lông, yên trừ vị vẫy bốn người dật khoáng…”​

(Trích từ bài: “Trương Lưu Hầu phú”)​

Mặc dù không hiểu hết nội dung trong đó nhưng tôi có thể cảm thấy được bài hát này thể hiện sự ngang tàng, hào khí của nam nhi, mặc dù một lòng muốn dốc hết tài trí cho đất nước nhưng cũng chẳng thể nào thoát được thắng thua trong chốn quan trường. Bài hát vừa hết, tiếng vỗ tay đã râm ran. Huy quận công cất tiếng khen ngắn gọn:

- Viết hay lắm.

Mọi người xung quanh phụ họa, Nguyễn Hữu Chỉnh càng cười lớn vui vẻ. Tôi bắt đầu có cảm giác mụ mị. Một con người tài hoa như ông ta, lại có lòng trung nghĩa, hẳn nhân cách không thể nào tồi tệ đến mức phản bội Huy quận công, hiến kế cho Nguyễn Huệ tiến quân ra bắc. Rốt cuộc lý do gì đã khiến Nguyễn Hữu Chỉnh quay lưng lại với nhà Lê?

Đến khi về tới nhà, tôi vẫn chưa thể thoát ra được suy nghĩ về Nguyễn Hữu Chỉnh. Nếu thực sự ông ta phản bội chúa Trịnh vua Lê, vậy Huy quận công sẽ là người đầu tiên bị chính sự phản bội đó làm hại. Tôi có nên báo với Huy quận công để ông phòng bị trước không? Nếu tôi làm vậy thì liệu lịch sử có bị thay đổi không? Thôi vậy, đến đâu hay tới đó. Dù sao lời tôi nói quận công chưa chắc đã tin. Cũng không được. Tôi nên nói bóng nói gió với ông trước. Thấy phòng đọc sách vẫn còn sáng đèn, tôi vừa đến cửa thì nghe giọng mẹ cả từ bên trong:

- Ông nói bệnh của thế tử ngày càng trầm trọng sao?

- Đúng vậy. Tôi cũng đang nghi ngờ điều đó. – Quận công gõ gõ tay lên mặt bàn. – Nhờ có ông ta mà sức khỏe của chúa thượng đã gần như khỏi, ăn uống cũng nhiều hơn trước. Thế nhưng không hiểu sao bệnh của thế tử vẫn không có chuyển biến. Hay y thuật của ông ta không giỏi như lời đồn? Tất cả chỉ là ăn may?

Có tiếng bước chân đến gần khiến tôi giật mình, ra là một chị người hầu mang nước đến:

- Tiểu thư, sao tiểu thư ở ngoài này?

Tiếng quận công ở trong vọng ra:

- Đinh Thanh, con vào đây ta nói chuyện.

Tôi xách váy bước qua bậc cửa vào trong phòng. Quận công ngồi bên bàn trà, ông nhíu mày hỏi tôi:

- Tối rồi chưa ngủ sao còn đến đây?

- Dạ, con có chuyện muốn thưa ạ. – Tôi ấp úng trả lời.

- Con nói đi. – Mẹ cả nhẹ giọng nói.

Tôi do dự một hồi, nghĩ đến cậu bé Trịnh Cán mà mình gặp ở vườn thượng uyển lần đó, cuối cùng lại nói:

- Con nghe cha nói sức khỏe của thế tử ngày càng yếu. Sao chúng ta không mời Hải Thượng Lãn Ông lên kinh chữa trị cho thế tử ạ?

Quận công cầm chén nước mà mẹ cả vừa rót, khói bay lượn lờ, đưa lên miệng rồi lại đặt xuống:

- Người mà ta nhắc đến chính là Hải Thượng Lãn Ông.

Trước/49Sau

Theo Dõi Bình Luận


Truyện Convert : Phu Nhân Nàng Áo Lót Lại Oanh Động Toàn Thành