Saved Font

Trước/69Sau

Thiên Chính Đạo Nhân

Chương 7: Bích Hoạ Trong Miếu

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Kiểu Màu
Dịch: Tuyệt Hàn

***

Bên ngoài cửa miếu có một cái khóa đồng rất to, tôi cũng không biết niên đại của nó nữa. Tóm lại tôi chưa từng thấy cái miếu này mở ra bao giờ, cho nên cũng không biết rõ trong miếu như thế nào, chỉ có lần này vô tình vào được.

Vách tường bốn phía cũng có vẽ bích họa, trong đó có hai mặt bích họa đều không biết là vẽ người nào. Chỉ có một bức còn có thể phân biệt ra được đại khái dáng vẻ, đó là một ông già tóc bạc, tay cầm phất trần, chắc là Thái Thượng Lão Quân.

Trong miếu Tướng Quân lại có bích họa của nhân vật Đạo giáo, và cả cách thức bài trí đều nói lên trước đây nó là một tòa đạo quan (nơi ở, tu hành của đạo sĩ).

Điều khiến chúng tôi cảm thấy kinh khủng là trong miếu hoàn toàn trống không, ở giữa chỉ có một cái quan tài màu nâu cực lớn, phía trên phủ một lớp bụi rất dày. Mùi ẩm mốc trong miếu cũng rất nặng, cũng may trên nóc có một tấm ngói bị vỡ, ánh sáng bên ngoài còn lọt được vào, giúp chúng tôi phân biệt được vài thứ. Nhưng ở trong hoàn cảnh này, hai đứa tôi kể cả to gan tới mấy cũng đều cảm thấy bủn rủn tay chân. Hầu Tử lập tức xoay người chạy, từ cái đó lỗ nhỏ lại chui ra ngoài.

Lúc sắp đi tôi chợt nhìn thấy phía trên vách tường đen kịt có thứ gì đó, nó giống như là đường vân, hay một chữ viết, ký hiệu gì đó rất kỳ lạ. Tôi cảm thấy hết sức tò mò, nhịn không được nhìn thêm mấy lần. Khi đó tôi mới có 6 tuổi, lại chưa hề đi học nên không biết chữ, thêm nữa lại bị cái ký hiệu đó hấp dẫn, trong đầu chỉ cảm thấy trống rỗng.

Hầu Tử thấy tôi mãi chưa ra, gọi với vào, tiếng nó kéo tôi về với thực tại. Tôi lại quay đầu nhìn cái quan tài kia thêm một lần, lập tức rùng mình sợ hãi, lập tức chui ra ngoài. Hầu Tử hỏi tôi sao lâu vậy mà vẫn chưa ra, tưởng tôi bị quỷ bắt mất rồi.

Tôi hỏi: “Tớ vào đấy lâu vậy sao?”

Hầu Tử bảo trời đã tối lắm rồi. Lúc này tôi mới nhận ra mình đã ở trong cái miếu đó một mình tới hơn 30 phút, nhưng một chút cảm giác về thời gian cũng không có.

Khi chúng tôi đi ngang qua nhà Tiểu Hồng Hà, không thể tránh khỏi bị mẹ con bé mắng. Nào là mới có tý tuổi đầu đã không biết xấu hổ, định cởi quần con nhà người ta…Nhưng tôi lại không hề để ý, trong đầu lúc đó chỉ còn lại quang cảnh trong miếu Tướng Quân lúc chiều. Những ký tự, bức bích họa kia, còn có cả cái quan tài kia nữa.

Lúc chúng tôi còn rất nhỏ, mọi người đều dặn không được tới cái miếu đó chơi. Chúng tôi cũng đã từng hỏi qua, người lớn đều nói không nên hỏi, chỉ cần chớ tới đó là được.

Tôi lại cảm thấy hết sức kỳ quái, đó rõ ràng là một đạo quan, tại sao lại gọi là miếu Tướng Quân cơ chứ? Tôi cùng Hầu Tử lúc đi về đã bàn với nhau không được nói là tới miếu Tướng Quân chơi, nếu không sẽ bị ăn đòn. Hầu Tử lè lưỡi nói sẽ không nói, hai đứa còn ngoắc tay thề rồi mới trở về nhà.

Sau khi về nhà tôi cũng không cảm thấy khác thường, mẹ cũng nghĩ là tôi chỉ chơi loanh quanh trong thôn nên cũng không để ý. Cho đến khoảng 8h tối, mẹ Tiểu Hồng Hà đích thân tới nhà tôi. Lần này tôi biết xong đời rồi. Quả nhiên mẹ con bé liền kể hết mọi chuyện cho mẹ tôi biết, tôi cùng Hầu Tử như thế nào…v.v…

Bà ấy bảo mẹ tôi phải dạy dỗ tôi thật nghiêm. Thật ra thì ngày hôm đó tôi còn chưa nhìn thấy gì cả, quần còn chưa cởi xuống, mẹ con bé đã tới rồi. Nhưng mà mẹ con bé có lợi hại đến đâu cũng không nghĩ ra khoảng chục năm sau Hầu Tử vẫn là người cởi quần Tiểu Hồng Hà.

Mẹ tôi vừa phải xin lỗi người ta, vừa vặn tai tôi. Tôi gan to bằng trời nhưng rất sợ mẹ, mẹ tôi có ba chiêu đối phó với tôi: Nhéo tai, cầm thanh trúc mỏng đánh tôi nát mông, ba là phạt quỳ. Nhìn trận địa hôm nay tôi đã biết tôi thua hoàn toàn rồi, ba cực hình chắc chắn có trốn cũng không thoát.

Quả nhiên sau khi mẹ của Tiểu Hồng Hà đi khỏi, tôi bị véo tai nhấc thẳng lên, tiếp theo chính là quỳ xuống. Tôi phài quỳ thật đàng hoàng, bởi vì lúc đó nếu có phản kháng thì chắc chắn đại cực hình nát mông sẽ giáng xuống. Sau đó mẹ tôi cũng cho qua, nhưng không cho tôi đi chơi với đám Hầu Tử và Tiểu Hồng Hà tới miếu Tướng Quân nữa, cuối cùng ông nội tôi xin cho tôi mới được tha.

Ông nội tôi rất thương tôi, thời đó mọi thứ đều thiếu thốn, ông vẫn thường mua quà vặt cho tôi ăn, hay là nấu vài món ngon dành riêng cho tôi. Lúc đó tôi ngồi vào lòng ông nội, để ông xoa đầu gối, tôi hỏi ông tại sao không được tới miếu Tướng Quân?

Ông nội nói xung quanh đó có ma quỷ, năm đó có người phóng hỏa đốt cái miếu đi rồi. Nhưng không hiểu sao xung quanh cháy hết, ngôi miếu chỉ còn lại đại điện như bây giờ. Không lâu sau đó người ta cũng phát hiện người phóng hỏa đốt miếu đã treo cổ tự vẫn trong chính gian đại điện đó, hơn nữa hình dạng lúc chết rất đáng sợ, mắt trợn trừng, hai hốc mắt chảy đầy máu. Từ đó về sau, trong thôn liền khóa cánh cửa miếu lại, sợ có người gây họa.

Tôi lại hỏi ông nội về cái quan tài trong miếu, nhưng ông nội nghe thấy tôi nói tới chuyện quan tài liền tỏ ra kiêng kỵ, làm sao cũng không chịu nói.

Qua mấy ngày sau, trên người tôi liền nổi đầy mụn đỏ, sau đó bắt đầu sốt cao, còn bị cả tiêu chảy nữa. Ba mẹ bèn đưa tôi tới bệnh viện khám, bác sĩ khám qua rồi nói tôi bị sốt phát ban, sau đó cho uống thuốc. Nhưng bệnh chẳng những không tốt ngược lại còn ngày càng nặng hơn. Lúc đó tôi tương đối gầy, bị bệnh không ăn uống được gì, tiêu chảy mất nước nên cả người chỉ còn da bọc xương. Hơn nữa lúc nào cũng thấy ngứa ngáy khắp người, gãi cái là máu rươm rướm rồi.

Ông nội thấy tình hình của tôi không ổn, liền bảo mẹ tôi đi tìm "Thần Nhân" tới xem một chút, thật ra thì mẹ tôi vốn là người vô thần, bà không chịu đi, cuối cùng vẫn phải nhờ ông nội tôi đi tìm một thầy pháp tới.

Không biết tên thầy pháp đó có bản lĩnh thật không, tóm lại chỉ biết tên này lúc bình thường thì bán bánh bao, thỉnh thoảng cũng xem chút phong thủy cho người ta. Lừa bịp mấy người già cả ở nông thôn chắc cũng đủ.

Tên thầy pháp kia sau khi đến, nhìn qua bệnh trạng của tôi một chút, sau đó phán nhà tôi thiếu đồ phong thủy trấn áp sát khí trong nhà, cho nên tôi bị tiểu quỷ quầy rầy.

Những năm đó ở nông thôn thường thịnh hành một kiểu nhà, gian giữa thường lớn nhất gọi là chính phòng, cũng chính là phòng khách. Mỗi nhà bình thường đều treo giữa nhà một bức tranh, có nhà treo ảnh Mao Trạch Đông, có nhà treo tranh vẽ thần tiên, cũng có nhà treo tranh sơn thủy. Ở hai bên đều treo thêm một đôi liễn (câu đối đi với nhau thành cặp, gọi là liễn), nơi treo cả 2 thứ đó thường được gọi là trung đường.

Treo tranh và liễn ở trung đường có tác dụng thứ nhất là làm đẹp, tiếp đó là muốn nói cho những cô hồn dã quỷ là ở đây có người sinh sống, không nên tới. Mà khi đó nhà chúng tôi vừa quét vôi xong, cũng không treo tranh và liễn ở trung đường.

Tên thầy pháp này ăn nói có bài có bản, mẹ tôi nghe cũng có chút xao động, liền hỏi nên làm gì. Hắn bèn thu của nhà tôi hai mươi đồng, sau đó lấy ra một lá phù, đốt thành tro rồi hòa nước cho tôi uống.

Sau đó tôi mới biết lá bùa đó là thật, có tên là Thiên Sư Phù. Nhưng tên kia khi hòa nước cho tôi uống thì phù chỉ được họa không, không được đóng dấu pháp ấn, cho nên không có chút tác dụng nào cả. Tôi uống chén nước đó thì bụng bắt đầu đau, tới mức co quắp cả người lại, nửa đêm phải đưa cấp cứu mới toàn mạng.

Sau đó tên thầy pháp kia sợ quá, qua mấy ngày cũng không dám mở cửa bán bánh bao, sợ mẹ tôi tìm hắn liều mạng. Hắn nhờ người khác trả lại tiền cho nhà tôi, cũng không dám ra ngoài phô trương nữa. Vì chuyện này mẹ tôi thiếu chút nữa cãi nhau gay gắt với ông nội, trong nhà hết sức u ám.

Nhưng trong bệnh viện thì tình huống của tôi vẫn không tốt hơn, dần dần còn bắt đầu mê sản, giống như cô Tú ngày xưa vậy. Bác sĩ đã kiểm tra rất kỹ, nhưng vẫn không phát hiện được đó là bệnh gì. Tôi được chuyển qua nhiều viện nhưng các bác sĩ đều chuẩn đoán giống nhau.

Bà ngoại sau khi biết tôi bị như vậy, bèn bảo mẹ tôi đi tìm Tra Nghiêm Vân, mẹ tôi ban đầu còn sống chết không chịu, cuối cùng thấy bệnh tình tôi mãi không thuyên chuyển đành bảo ba tôi đi tìm Tra Nghiêm Vân tới thử một chút. Chuyện về cô Tú mẹ tôi cũng biết, nhưng năm đó mẹ tôi đi học đại học xa, lại là người vô thần nên bà chỉ tin bệnh của tôi là bệnh lạ mà thôi, tuyệt đối không nghĩ đó là mấy chuyện về tâm linh gì gì đó.

Trước/69Sau

Theo Dõi Bình Luận