Saved Font

Trước/213Sau

Trọng Sinh Trở Về Vị Trí Cũ

Chương 3

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Kiểu Màu
Bong bóng cá dần nổi lên phía chân trời, trấn nhỏ Phù Dung vùng sông nước ven kinh thành vẫn tĩnh lặng như xưa. Dưới cầu đá cong cong, từng tốp thuyền trắng túm năm tụm ba vào một chỗ, sóng nước khẽ gợn như đang lặng lẽ chờ người lái đò năm xưa tỉnh lại từ giấc ngủ say.

Gần đến giờ ăn sáng, một người hấp bánh có tay nghề phải thức dậy sớm hơn so với người khác.

Thôi gia bán bánh hoa quế và mì vằn thắn bên đường đã sớm dậy nhào bột cho vào nồi hấp.

Một lúc sau, cánh cửa gỗ cũ kĩ khói lửa hun cháy sém bị đẩy ra kêu cọt kẹt, một tiểu nương tử tầm mười bốn mười lăm tuổi, tóc dài đen nhánh xoã tung, cầm chậu gỗ ngang eo sải bước ra khỏi cửa.

Dù sắc trời chưa lộ rõ nhưng ánh sáng nhàn nhạt vẫn đủ để chiếu sáng da mặt trắng nõn của vị tiểu nương này. Vùng sông nước gió bấc mưa phùn, gió ấm hoa đào rất dưỡng người, nhưng mang vẻ mỹ nhân trời sinh quý khí không thể dùng ngôn từ nào để hình dung như vị tiểu cô nương này thì lại rất hiếm gặp.

Chân mày giương cao, đôi mắt như hai dòng suối trong, sống mũi cao thẳng, môi mỏng hơi vểnh, môi châu như bánh hoa quế vừa ra lò, quyến rũ khiến người ta không rời mắt.

Nàng không vội múc nước, đứng trên cầu đá trước cửa nhà cúi thấp đầu nhìn mặt nước. Mặt nước phiếm xanh mơ hồ có thể nhìn thấy bóng dáng phản chiếu của nàng. Sau đó, nàng bỏ thùng gỗ xuống, lấy một chiếc lược làm từ gỗ cây đào đã mất răng từ thắt lưng áo vải thô buộc chặt ra, nương theo bóng dáng trong nước chầm chậm chải mái tóc dài đen nhánh xoã trên vai, lại lấy ra một chiếc khăn vải đen từ tay áo, đơn giản vụng về rồi không dễ dàng gì mà vấn tóc lên quấn chặt lại.

Nhìn kiểu tóc xem như vẫn thành hình của nàng, dù thái dương vẫn vướng vài sợi tơ, nhưng nói chung là vẫn có thể gặp người.

Tính ra thì, Liễu Tương Quỳnh đã sống hai đời, nhưng cảnh tự mình chải đầu đã ít lại càng ít, chẳng trách chân tay lúng túng.

Liễu Tương Quỳnh? Nàng nhìn mặt sông hơi cười khổ. Không, bây giờ hẳn phải gọi nàng là Thôi Tương Quỳnh.

Lúc chìm sâu vào giếng nước lạnh buốt, chôn vùi toàn bộ yêu hận, vốn tưởng bản thân không có sức để xoay chuyển trời đất, ai ngờ linh hồn đã lên đến ranh giới thăng thiên bỗng bừng tỉnh như giấc mộng Hoàng Lương(1), trong nháy mắt trở về lúc mười lăm tuổi.

Chỉ là thân thể vẫn như cũ, nhưng hoàn cảnh biến hoá càn khôn, không nhìn ra chút nào giống kiếp trước.

Kiếp trước thoáng qua như mộng kia, cuộc đời của nàng có thể coi là cuộc đời bình an thuận lợi mà mọi nữ tử bình thường đều cực kì ngưỡng mộ. Kiếp trước phồn hoa như gấm, kiếp này sống lại, trở thành nữ nhi của một nhà buôn bán nhỏ, xem như là từ trên mây rơi xuống vũng bùn sâu. Nếu đổi lại là người khác, chỉ e là đã phẫn hận trách cứ trời xanh trêu ngươi, thà treo cổ tự vẫn chứ không chấp nhận một kiếp sống lại khổ sở bần hàn không chịu nổi này.

Nhưng nàng trở thành Thôi Tương Quỳnh, đôi mắt ngái ngủ lờ mờ nhìn thấy mạng nhện trên xà nhà, còn lúc thấy phu thê Thôi gia nhíu mày nhìn nàng, đầu tiên là kinh sợ, nhưng lòng lại bình an.

Thế gian ấm lạnh chỉ có người tự biết, khúc nghê thường phù phiếm kiếp trước, bẩn thỉu cỡ nào, cũng chỉ có nàng mới hay.

Làm Thôi Tương Quỳnh cũng tốt, tất cả chẳng qua cũng chỉ là trở về vị trí cũ mà thôi. Có điều... rõ ràng kiếp trước mười sáu tuổi bí mật về thân thế của nàng mới hé mở, vì sao bây giờ lại sớm một năm? Chẳng lẽ đời này nàng trọng sinh, xảy ra biến cố gì rồi?

Nàng nhớ lúc mới tỉnh, khuỷu tay đau đớn như lửa thiêu, Quỳnh Nương vén tay áo lên nhìn thấy khuỷu tay nàng bỗng xuất hiện ký tự “Vạn” giống chữ của Phật gia, màu đỏ xinh đẹp, kiếp trước nàng chưa từng có ấn ký này. Ý nghĩa tươi sáng, còn có ngụ ý luân hồi không tận. Quỳnh nương thầm nghĩ chẳng lẽ kiếp trước nàng làm việc thiện nên tích phúc chăng?

Vài ngày đầu trọng sinh, tâm thần hốt hoảng, hoài nghi có phải nàng đang mơ không. Chờ lúc thần trí an ổn, hiểu rõ cảnh ngộ của mình, Quỳnh Nương giả như bản thận bệnh đến hồ đồ, không lộ thanh sắc nghe ngóng chuyện trước kia.

Nghe ý tứ của phụ thân Thôi Trung, phát hiện cái cớ hai nhà bế nhầm hài tử xuất phát từ chủ ý của Thôi Bình Nhi, mang việc buôn bán điểm tâm vào trong kinh thành.

Thôi Trung nghe lời ả ta, ả ta theo phụ thân vào kinh thành gánh hàng, đưa điểm tâm cho nha hoàn Liễu phủ, tình cờ gặp Nghiêu thị của Liễu gia, Thôi Bình Nhi rất giống Nghiêu thị, khiến Nghiêu thị và bà tử bên cạnh nhìn mãi.

Mà Liễu Tương Quỳnh lại không giống người Liễu gia, lại thêm câu nói đùa của Thôi Bình Nhi: “Ta giống phu nhân như vậy, thật tưởng rằng năm đó cha nương còn ôm nhầm hài tử.” khiến sự nghi ngờ của Nghiêu thị ngày càng nặng.

Rảnh rỗi nói vài câu, trong lúc vô tình biết năm đó tình cờ gặp được nữ nhi Thôi gia trong miếu trạch, nhớ lại chuyện bà ta đã chỉ thị nhũ mẫu làm ra thủ đoạn đó, Nghiêu thị tức khắc hốt hoảng. Cẩn thận tra hỏi, thẩm vấn hai nhũ mẫu năm đó, biết được sự thật từ miệng một nhũ mẫu họ Doãn mới hiểu rõ chân tướng hai nhà bế nhầm con.

Hai nhà lập tức như vỡ hoạ, mà Liễu gia phản ứng rất nhanh chóng: may mắn hai hài tử đều mười lăm tuổi, chưa định người gả, Quỳnh Nương cũng chưa gặp qua nhiều người ngoài—theo phong tục của Nguyên triều, tiểu thư trong kinh thành sau mười sáu tuổi cập kê mới có thể cùng mẫu thân ra ngoài tham gia tiệc rượu hội trà, thuận tiện định chuyện chung thân. Ngoại trừ thân hữu, quan lại thân quyến trong kinh thành chưa từng gặp vị đại tiểu thư này của Liễu gia.

Người Liễu gia cảm thấy, bây giờ xoay chuyển tất cả vẫn còn kịp.

Sau khi gặp được Thôi Bình Nhi, Nghiêu thị yêu con bàn bạc với lão thái quân, để Liễu Mộng Đường ra mặt, cùng Thôi gia lén lút trả hai đứa con về.

Chung quy nữ tử mười tám tuổi sẽ biến hoá, dù cho có người nhìn thấy Quỳnh Nương thì cũng có thể nói là lớn lên hình dạng thay đổi.

Chỉ là sau khi Quỳnh Nương nghe thấy, nức nở không thôi, một mực nói không muốn rời khỏi Liễu phủ.

Nhưng nếu để nàng lại, Thôi Bình Nhi ở Liễu phủ sẽ không thoả đáng.

Dẫu sao Nghiêu thị có con muộn, qua bốn mươi mới có cặp long phượng thai này, không thể nói mình lại sinh thêm một nữ nhi, hay nói Thôi Bình Nhi là con của thiếp thất được.

Nói cho cùng Nghiêu thị cũng có chút không đành lòng với Quỳnh nương mà bà đã nuôi dưỡng mười lăm năm này, nhưng nhìn Thôi Bình Nhi khôn ngoan lanh lợi lại có bộ dạng giống hệt mình, một thân áo váy khâu vá, nhất thời hổ thẹn vì bản thân đã mắc nợ nữ nhi thân sinh quá nhiều. Cuối cùng dứt khoát gọi hai bà tử trong phủ trạch cứng rắn đẩy Quỳnh Nương lên xe ngựa, đưa về Thôi gia.

Sau khi đến Thôi gia, Quỳnh Nương khóc náo không ngớt, uống nước ghét bỏ chén nứt, ăn cơm không chịu được thô sạn. Cuối cùng sốt cao không dậy được, hôn mê ba ngày ba đêm.

Vì vậy lúc Quỳnh Nương mở mắt, thân nương của nàng là Lưu thị vừa mừng vừa lo, vui vì nữ nhi cuối cùng cũng tỉnh, lo nàng khóc náo nữa thì phải làm sao mới tốt?

Chẳng qua hình như Quỳnh nương sốt cao hỏng đầu rồi, lại hỏi những vấn đề mơ hồ hiếm thấy, dường như không biết sao bản thân nàng lại đột nhiên về Thôi gia.

Lưu thị thấp thỏm, sợ con sốt cao mà bị tà bệnh, mò mẫm từ đáy rương ra một chiếc vòng bạc, là của hồi môn của bà, chuẩn bị bảo Thôi Trung đi cầm đổi lấy ít bạc, mời lang trung đến trị bệnh cho Quỳnh Nương.

Nhưng Quỳnh Nương ngăn bà lại, bình tĩnh gọi nương, chỉ nói bản thân khá hơn nhiều rồi, không cần phí tiền mời lang trung.

Mặc kệ có phải một giấc mộng hoang đường hay không, được sống lại một đời thật tốt.

Thôi Tương Quỳnh làm rõ cảnh ngộ của nàng, ngoại trừ lúc mới bắt đầu chán nản thích ứng hai ngày, trái lại rất nhanh tích cực cố gắng thích ứng cuộc sống phố phường mà trước kia nàng rất sợ.

Chỉ là trong lòng hai phu phụ vẫn không thoải mái, nhìn nữ nhi thân sinh yểu điệu, từ đầu đến cuối vẫn cảm thấy nàng là thiên kim tiểu thư phủ lão gia, từng khắc nói chuyện với nàng đều hết sức cẩn thận.

Quỳnh Nương lại không muốn xa lạ như vậy, sáng sớm hôm nay, phu thê Thôi thị bận rộn nhóm bếp làm điểm tâm, nàng chủ động xách thùng gỗ đi múc nước. Chỉ là tiểu cô nương vóc dáng nhỏ nhắn, dù thùng nước rỗng nhưng xách đến giếng nước thì vẫn mệt đến nỗi cổ tay mỏi nhừ.

Có lẽ kí ức một khắc cuối cùng rơi xuống đáy giếng của kiếp trước khiến nàng không chịu nổi, nàng nhìn miệng giếng sâu thẳm, do dự không tiến lên.

Vào lúc này, có người đến gần nàng: “Tiểu nương Thôi gia không xách nổi à? Có cần Vượng ca ca ta giúp đỡ không?”

Quay đầu nhìn thấy một nam tử trẻ tuổi nhưng bộ dáng dung tục, nàng nhớ mang máng Lưu thị từng nói qua, người này tên Trương Vượng, là nhi tử độc nhất của chủ hàng thịt heo đầu phố, hắn cậy nhà hắn giàu có, cả ngày chơi bời lêu lổng, thích nhất là trêu ghẹo quả phụ tiểu tức láng giềng, không đứng đắn.

Xem ra tối qua đi uống rượu sáng sớm mới về, mũ vải nghiêng lệch, dây lưng lỏng lẻo, cả người đầy mùi rượu.

Trương Vượng cũng biết Quỳnh Nương, dù sao chuyện Thôi gia bán điểm tâm với một nhà phú quý nào đó bế nhầm con đã truyền đi khắp phố.

Tiểu nương Thôi gia mới đổi về từ nhỏ cẩm y ngọc thực, lại xinh đẹp, dung mạo giống phu phụ Thôi gia, trở thành mỹ nhân quốc sắc thiên hương. Ngày thường chỉ có thể ngồi xe cao mới thấy tiên cốt dung mạo quyến rũ như vậy, nhưng bây giờ đã rơi vào đầu đường phố chợ này rồi, đúng là có phúc khí cho mấy tên ăn chơi truỵ lạc quanh đây.

Sáng sớm Trương Vượng bước ra từ cửa hoa lâu, tản bộ đến gần nhà Thôi gia, đột nhiên nhớ tới tiểu nương mới đến, liền dừng lại trong chốc lát, không ngờ thực sự có thể gặp được mỹ nhân tuyệt đẹp không dính bụi trần như vậy. Bèn tới gần, chuẩn bị trêu ghẹo tiểu nương này.

Thôi Bình Nhi trước kia của Thôi gia cũng là một đoá kiều hoa, thêm ánh mắt thiển cận, hắn cách ba năm ngày tặng một hộp phấn hoa, Thôi Bình Nhi liền dùng ánh mắt khác mà đối đãi hắn. Nếu không phải mụ già hung giữ của Thôi gia là Lưu thị đến kịp thì Thôi Bình Nhi đã bị hắn lừa vào ngõ nhỏ dâm ô cởi áo.

Nhưng nửa năm nay, kĩ nữ phóng túng đó đột nhiên trở nên tự cao tự đại, không tự nguyện cùng hắn ta vui đùa thân cận. Vốn dĩ hắn ta có chút tức giận, không ngờ chuyện tốt còn ở phía sau. Thôi Bình Nhi huênh hoang đi rồi, lại đổi về một Thôi Tương Quỳnh kiều mị. Trương Vượng kê chân lên đá, dựa vào sân tường nhìn Quỳnh nương, xương cốt rã rời, cảm thấy thần tiên hạ phàm cùng lắm cũng chỉ là như vậy. Chỉ đợi tiểu nương này cập kê, hắn liền bảo nương mời bà mối đến cửa đề nghị kết thông gia luôn.

Ai da, dẫu sao vẫn là hoa thuỷ tiên được tưới bằng nước vàng nước bạc. Nhìn vòng eo hết sức mảnh nhỏ của nàng, mày liễu khẽ nhăn, Trương Vượng chỉ cảm thấy tà hoả bị áp chế trên người kĩ nữ hôm qua lại bị khiêu khích nhen lên, âm ỷ thiêu đốt đũng quần hắn.

Nhìn Trương Vượng thèm nhỏ dãi tiến lại gần, Quỳnh nương định lùi về sau trốn, cả thùng gỗ cũng không cần, quay người muốn chạy. Trương Vượng vừa vặn chắn lại, căn bản không thể lui.

Trong giấc mộng kiếp trước đó, dù nàng học được chút công phu nhưng so với nữ tử bình thường chỉ mạnh hơn chút, tuổi nàng còn nhỏ, sức lực không đủ, không phải đối thủ của tên ăn chơi trước mặt này.

Thấy hắn sắp động tay động chân, Quỳnh nương hơi vén váy, nhân lúc hắn không đề phòng định đạp một cước gà bay trứng vỡ vào hạ bộ hắn. Bỗng nhiên từ phía sau Trương Vượng truyền đến một tiếng hét: “Tránh xa muội muội ta ra! Cẩn thận ta đánh gãy chân ngươi!”

Trương Vượng quay đầu lại nhìn, thấy một thiếu niên mặc áo choàng vạt ngắn màu xanh, đang xách một thùng nước với một chiếc đòn gánh đứng phía sau hắn ta.

Xem ra tên này chính là huynh trưởng ruột thịt của Quỳnh Nương-Thôi Truyền Bảo. Hắn và Quỳnh nương là song bào thai, cũng mười lăm tuổi, nhưng di truyền thân hình cao lớn của phụ thân Thôi Trung, cường tráng như nghé con, đôi mắt tròn hung ác nhìn chằm chằm Trương Vượng. Như chỉ cần Vương Trượng động đậy, hắn sẽ vung đòn gánh xông lên.

Vương Trượng thấy bản thân bây giờ tình thế không tốt, hậm hực nghiêng người nói: “Là láng giềng với nhau, muốn giúp muội muội ngươi xách nước, tiểu tử ngươi sao lại ồn ào như vậy, ta có lòng tốt mà ngươi làm như gan con lừa không bằng...” vừa nói vừa phất tay áo căm hận rời đi.

Thôi Truyền Bảo lười nghe hắn lầm bầm, bước đến bên giếng, nhấc thùng gỗ Quỳnh nương làm rơi lên, cẩn thận buộc dây thừng thả xuống, đổ đầy nước vào thùng của mình, sau đó dùng đòn gách nhấc lên, tự xách hai thùng nước, đầu cũng chẳng quay lại, bước lớn đi mất.

Quỳnh nương bước vội, chạy nhanh sau huynh trưởng, một trước một sau cùng về nhà.

Những ngày này, Thôi Truyền Bảo không để ý đến nàng, Quỳnh nương đoán, chắc là bản thân lúc chưa trọng sinh về Thôi gia khóc lóc làm loạn kinh quá, nói nhiều lời ghét bỏ Thôi gia, không những làm phụ mẫu đau lòng, còn khiến ca ca song sinh oán trách.

Trong mộng cảnh kiếp trước, vì muốn cảm ơn dưỡng phụ mẫu Liễu gia tiếp tục để nàng ở lại nên Quỳnh Nương tận lực xa lánh Thôi gia, chưa từng chủ động liên hệ với họ.

Chỉ là sau này xuất giá làm nương cũng hiểu được từng tầng phức tạp của nhân tình thế thái, hối hận vì đã đối xử với phụ mẫu thân sinh quá cay nghiệt, mới phái người đi nghe ngóng cảnh ngộ Thôi gia, muốn âm thầm giúp đỡ một chút. Nhưng tin tức thăm dò được lại khiến người lo lắng không thôi, đại khái là ca ca song sinh của nàng không phải người thích hăng hái tranh giành, sau này phụ thân Thôi Trung mắc bệnh nặng cần bạc gấp, vì muốn nhanh nhanh kiếm bạc mà hắn lệch vào đường ngang ngõ tắt, đến làm tay chân cho sòng bạc, rồi cưới một tỷ tỷ là bạn ăn chơi mà hắn quen.

Nữ tử đó vốn đi ra từ hoa lâu, sau khi gả đi thói quen lâu ngày không sửa, ỷ vào tiền tích góp buôn xác thịt bán tiếng cười, diễu võ giương oai ở nhà phu quân, chưa từng hiếu kính với công công bà bà.

Về phần sau này làm sao Thôi Truyền Bảo lại đánh chết cậu em đến nỗi dính vào kiện tụng, chắc hẳn cũng có liên quan đến vị đại tẩu tương lai này.

Quỳnh Nương nghĩ đến đây, mày khẽ nhíu. Đời trước nàng luôn xoắn xuýt vì bí mật xuất thân của nàng, luôn mơ mộng hão huyền những thứ không thuộc về mình, cuối cùng rơi vào kết cục trượng phu thay lòng đổi dạ, nhi nữ xa cách.

Trời cao không đối xử tệ bạc với nàng, để nàng sống lại một lần nữa, lần này, nàng sẽ không đuổi theo những thứ viển vông đó, không đuổi theo mỹ danh hiền phụ gì đó, không bỏ mặc nhi nữ cho nhũ mẫu nha hoàn, để rồi ồn ào đến nỗi rơi vào kết cục đơn độc.

Trong con phố đầy mùi nhân gian khói lửa này, nàng muốn làm thương phụ, hiếu kính phụ mẫu, gả cho trượng phu phẩm hạnh đoan chính, càng muốn tự nuôi dưỡng con của nàng...

Nghĩ đến đây, nàng nhìn bóng lưng của thiếu niên quật cường trước mắt, không khỏi bước nhanh hơn, mở miệng kêu: “Ca ca, đợi muội.”

Quỳnh nương trời sinh âm thanh trong vắt dịu dàng, lại thêm đang độ tuổi xuân, một tiếng “ca ca” này nghe như tiếng chim hoàng oanh hót. Dù Thôi Truyền Bảo có chút bất mãn với nàng nhưng cũng vẫn dừng lại.

(1) Giấc mộng hoàng lương; giấc mộng kê vàng (trong truyện "Chẩm Trung Ký" thời Đường kể chuyện một chàng trai gặp một đạo sĩ trong một quán trọ. Đạo sĩ cho chàng trai một chiếc gối bảo ngủ đi. Bấy giờ chủ quán đang nấu một nồi cơm kê vàng, chàng trai nằm mộng thấy mình được làm quan, hưởng phú quý, nhưng khi tỉnh dậy, cơm kê vàng vẫn chưa chín, sau ví với sự vỡ mộng.)

Trước/213Sau

Theo Dõi Bình Luận


Truyện Convert : Kinh Thế Y Phi, Xấu Bụng Cửu Hoàng Thúc