Saved Font

Trước/19Sau

Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật

Chương 19: Ân Hận

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Kiểu Màu
GIỜ TÔI ĐÃ QUÁ GIÀ ĐỂ DÙNG đÔI BÀN TAY mình mà nấu nướng, dệt vải, hay thêu thùa, và nhìn vào chúng tôi thấy những dấu vết do sống quá lâu mang lại, dù bạn làm việc bên ngoài dưới ánh mặt trời hay ru rú trong căn buồng phụ nữ cả đời. Da tôi mỏng đến mức hay xuất hiện những đám máu tụ dưới lớp da bề mặt mỗi khi tôi va vào vật nọ vật kia. Bàn tay tôi mỏi nhừ vì mài mực, các đốt ngón tay sưng lên do cầm bút. Có hai con ruồi đang đậu trên ngón cái của tôi, nhưng tôi mệt đến mức chả buồn đuổi. Đôi mắt tôi - đôi mắt bạc phếch của một bà lão già lụ khụ - đã để lệ rơi quá nhiều suốt bao ngày tháng qua. Tóc tôi - màu xám và mỏng dính - lỏng rơi khỏi những chiếc kẹp lẽ ra phải giữ nó bên dưới chiếc khăn trùm đầu. Khi khách khứa đến thăm, họ cố gắng không nhìn vào tôi. Tôi cũng cố gắng không nhìn vào họ. Tôi đã sống quá lâu.

Sau khi Tuyết Hoa mất, một nửa cuộc đời của tôi vẫn còn ở phía trước. Những ngày gạo muối của tôi vẫn chưa hết, nhưng trong tâm hồn mình tôi đã bắt đầu những năm tháng im lặng hoàn toàn. Với hầu hết mọi người đàn bà, giai đoạn này chỉ bắt đầu từ khi chồng họ chết đi. Với tôi, chuyện đó bắt đầu từ khi Tuyết Hoa mất. Tôi là “một người chưa chết”, nhưng mọi chuyện ngăn tôi không để tôi có thể lặng lẽ hoàn toàn. Chồng tôi và gia đình tôi cần tôi là người vợ, người mẹ. Cộng đồng cần tôi là bà Lữ. Rồi lại còn những đứa con của Tuyết Hoa nữa, những đứa trẻ mà tôi cần - để tôi có thể chuộc lỗi với lão đồng của tôi. Nhưng thật khó có thể trở nên thực sự rộng lượng và cư xử thẳng thắn khi bạn không biết phải làm như thế nào.

Điều đầu tiên tôi lập tức thực hiện ngay sau khi Tuyết Hoa mất là đảm nhận vị trí của cô cử hành các truyền thống và nghi lễ trong đám cưới của con gái cô. Xuân Nguyệt dường như đã chấp nhận viễn cảnh của cuộc hôn nhân, buồn rầu rời khỏi nhà, không chắc - vì đã từng chứng kiến cách bố đối xử với mẹ - điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Tôi tự mị chính mình đó chỉ là những lo lắng thông thường của mọi cô gái. Nhưng vào đêm tân hôn, sau khi chồng con bé đã chìm vào giấc ngủ, Xuân Nguyệt tự tìm đến cái chết bằng cách gieo mình xuống giếng thôn.

“Con bé đó không chỉ làm vấy bẩn thanh danh nhà chồng cô ta mà còn làm bẩn nguồn nước uống của cả thôn,” người ta xì xào bàn tán. “Nó cũng chỉ như mẹ nó thôi. Nhớ Những lời Lăng mạ không?” Việc chính tôi là người sáng tác lá thư đó khiến thanh danh của Tuyết Hoa bị hủy hoại đã cào xé lương tâm tôi, vì thế cứ khi nào nghe thấy chuyện này là tôi dập tắt ngay lập tức. Qua hành xử đó, người ta lại cho tôi là một người biết tha thứ và từ tâm với những kẻ ô uế, nhưng tôi biết rằng ngay chính trong nỗ lực đầu tiên để làm mọi chuyện xứng đáng với Tuyết Hoa, tôi đã thất bại thảm hại. Cái ngày tôi viết về cái chết của con gái Tuyết Hoa lên chiếc quạt là một trong những ngày tồi tệ nhất của cuộc đời tôi.

Tiếp đến, tôi chú tâm tới con trai Tuyết Hoa. Mặc dù có địa vị thấp nhất và không được bố ủng hộ, thằng bé cũng có chút ít chữ nghĩa và khá thành thạo trong việc tính toán với các con số. Tuy nhiên, nó vẫn đang làm việc bên cạnh bố nó và chẳng hạnh phúc hơn chút nào so với khi còn nhỏ. Tôi gặp vợ nó, con bé vẫn đang sống chung với gia đình mình. Lần này tôi đã có được một lựa chọn tốt. Con bé đã có thai, nhưng cứ nghĩ đến chuyện nó sẽ rơi vào nhà mổ lợn là tôi lại thấy đau lòng. Mặc dù chả mấy khi tôi thích can thiệp vào việc của đàn ông, nhưng lần này tôi đã thuyết phục được chồng tôi - người không chỉ được thừa hưởng đất đai rộng lớn của chú Lữ mà còn có thêm nguồn lợi nhuận từ việc buôn muối và giờ đây ruộng của chồng tôi đã trải rộng tới tận Cẩm Điền - để xin cho chàng trai trẻ này làm một việc gì đó ngoài việc mổ lợn. Chồng tôi thuê con trai Tuyết Hoa thu tô từ những mảnh đất cho thuê và cấp cho thằng bé một căn nhà có vườn rau riêng. Cuối cùng đồ tể cũng giải nghệ, chuyển đến ở với con trai, và quay ra cưng chiều thằng cháu nội của mình, thằng bé đã mang lại niềm vui lớn cho ngôi nhà của họ. Chàng trai trẻ và gia đình của cậu ta được hạnh phúc, nhưng tôi biết những gì tôi làm vẫn chưa đủ để tôi được mở đường trở lại với Tuyết Hoa.

BƯỚC SANG TUỔI NGŨ TUầN, khi kinh nguyệt dứt hẳn, cuộc sống của tôi lại thay đổi. Tôi bắt đầu chuyển từ chỗ chờ đợi người khác đến chỗ để người khác chờ đợi mình, mặc dù đương nhiên là tôi vẫn quan sát những gì họ làm và khiển trách họ về bất cứ việc gì không làm tôi hài lòng. Nhưng như tôi đã nói, trong tâm hồn mình tôi đã ngồi im lặng rồi. Tôi bắt đầu ăn chay và kiêng những đồ ăn nóng như tỏi và rượu. Tôi thường ngẫm ngợi kinh Phật, làm lễ tẩy rửa, và hy vọng từ chối được những khía cạnh ô uế của chuyện chăn gối. Mặc dù tôi từng tính toán sao cho cả cuộc đời lấy chồng của tôi không phải chịu cảnh chồng lấy vợ lẽ, song khi nhìn anh tôi thấy thương cảm. Anh xứng đáng được thưởng vì cả đời đã lao động vất vả. Tôi không đợi anh phải làm chuyện đó - có lẽ anh sẽ không bao giờ làm vậy - nhưng không hỏi ý anh, tôi tự mình đi tìm rồi đưa về nhà không phải một mà là ba người thiếp để phục vụ chồng tôi. Vì chính tay tôi chọn nên tôi có thể ngăn ngừa được những hiềm tị và bất hòa vụn vặt vẫn thường xuất hiện khi có những người đàn bà trẻ đẹp. Tôi không chạnh lòng khi họ sinh con. Và, quả thực, sự nể trọng của người trong thôn với chồng tôi lại càng tăng lên. Điều đó chứng tỏ rằng anh không chỉ đủ sức chi trả cho việc nạp thiếp đó mà còn cho thấy khí lực của anh mạnh mẽ hơn tất cả những người đàn ông khác trong huyện.

Vợ chồng tôi trở thành bạn tâm giao của nhau. Anh thường lên buồng phụ nữ uống trà và trò chuyện với tôi. Nỗi khuây khỏa anh tìm thấy trong cái yên ả của gia đình khiến những lo lắng về sự xô bồ hỗn loạn, khôn lường, và sự mục nát trong địa hạt của đàn ông tan biến. Thời gian này cả hai chúng tôi đều cảm thấy mãn nguyện hơn bất kỳ khoảng thời gian nào khác trong cả cuộc đời của tôi. Chúng tôi đã ươm một vườn cây, và nó đang bừng nở muôn hình vạn trạng xung quanh chúng tôi. Các con trai tôi đều đã đón vợ về nhà. Cô vợ nào cũng đều mắn đẻ. Nhà cửa luôn luôn rộn rã tiếng bi bô của bầy cháu nội. Chúng tôi yêu thương bọn trẻ, tuy vậy có một đứa bé không mang dòng máu của tôi nhưng lại là đứa khiến tôi chú ý nhất. Tôi muốn nó sống bên tôi.

Trong căn nhà nhỏ ở Cẩm Điền, vợ của người thu tô đã sinh được một đứa con gái. Tôi muốn đứa bé này - cháu nội của Tuyết Hoa - sẽ trở thành cháu dâu cả của tôi. Sáu tuổi không phải là quá sớm để Nhận Thân, nếu cả hai gia đình muốn định đoạt hôn ước cho lứa đôi yêu quý, nếu gia đình chú rể đã sẵn sàng bắt đầu gửi quà cưới đến cho cô dâu, và nếu gia đình cô dâu nghèo đến mức cần tới những món quà đó. Tôi cảm thấy chúng tôi đã có đủ điều kiện, thêm vào đó, chồng tôi - sau ba mươi hai năm lấy nhau chưa từng một lần phải ngượng hay hổ thẹn vì tôi - cũng rộng lượng hào hiệp cho phép tôi làm vậy.

Tôi chỉ gọi bà Vương tới khi chân của con bé đã được bó. Hộ tống bà già này vào căn phòng chính là hai cô gái chân to, điều đó cho biết rằng mặc dù các bà mối khác giờ có nhiều mối làm ăn hơn, nhưng bà ta vẫn dành dụm được một số tiền vừa đủ để sống ổn. Tuy thế, năm tháng lại chẳng độ lượng với bà Vương chút nào. Khuôn mặt bà ta đã nhăn nheo. Đôi mắt bà ta bạc phếch. Bà ta chẳng còn chiếc răng nào. Trên đầu chỉ còn lưa thưa vài sợi tóc. Người bà ta gập lại vì cái lưng còng. Bà ta quá mỏng mảnh và biến dạng nhiều đến mức không còn có thể bước đi nhẹ nhàng trên đôi chân bó của mình. Lúc ấy tôi nghĩ rằng tôi không muốn sống quá lâu như thế, ấy vậy mà giờ tôi lại đang ở đây.

Tôi mời trà và kẹo. Chúng tôi trò chuyện một chút. Tôi tin rằng bà ta không nhớ ra tôi là ai. Tôi nghĩ tôi có thể tận dụng điều đó để có lợi cho mình. Chúng tôi tán gẫu thêm chút nữa, sau đó tôi đi vào chủ đề chính.

“Tôi đang tìm một mối tốt cho cháu trai của tôi.”

“Phải chăng là tôi không nên nói chuyện với bố của cậu bé?” bà Vương hỏi.

“Nó đi vắng rồi và gửi gắm tôi thương lượng giúp nó chuyện này.”

Bà ta nhắm mắt lại khi suy nghĩ về vấn đề đó. Hoặc là bà ta hoặc là cặp mắt đó đã chìm vào giấc ngủ.

“Tôi nghe nói có một mối khá tốt ở Cẩm Điền,” tôi nói to lên. “Cô bé là con gái của người thu tô.”

Những gì bà Vương nói sau đó chứng tỏ bà ta biết chính xác tôi là ai.

“Tại sao không cưới con bé đó về làm vợ lẽ của cháu bà nhỉ?” bà ta hỏi. “Ngưỡng cửa nhà bà quá cao. Tôi dám chắc con trai và con dâu bà sẽ lấy làm mừng nếu sắp đặt như vậy.”

Thật ra, chúng rất không bằng lòng với cái việc tôi đang định làm này. Nhưng chúng có thể làm được gì chứ? Con trai tôi là học trò. Nó chỉ mới vượt qua kỳ thi kế tiếp trên con đường thi cử để trở thành cử nhân khi mới ở tuổi ba mươi. Đầu óc nó đang trên mây trên gió hoặc là nó lại đang rong chơi khắp vùng thôn quê. Nó hiếm khi về nhà, và khi về là lại đem theo những câu chuyện kỳ dị về những gì tai nghe mắt thấy: những người ngoại quốc cao to, dị hợm, có râu màu đỏ, còn vợ họ thì có vòng eo bị siết chặt đến mức không thở được và đôi bàn chân to quá khổ cứ ướt rượt như con cá vừa mới bắt lên vậy. Ngoài những chuyện đó ra, con trai tôi là đứa có hiếu và biết vâng lời cha, còn con dâu tôi thì luôn vâng lời tôi. Tuy nhiên, lần này nó không tham dự cuộc bàn chuyện này và trốn vào phòng khóc.

“Tôi không định tìm một đứa chân to,” tôi nói. “Tôi muốn cưới cho cháu tôi một cô gái có đôi chân hoàn hảo nhất vùng.”

“Đứa bé này còn chưa bắt đầu việc đó cơ. Không thể đảm bảo chắc chắn…”

“Nhưng bà đã nhìn thấy đôi bàn chân con bé, tôi nói thế đúng không, hả bà Vương? Bà là người có con mắt đánh giá mà. Bà nghĩ kết quả sẽ ra sao nào?”

“Biết đâu mẹ con bé lại không biết cách làm thế nào cho khéo…”

“Thế thì tôi sẽ tự mình xem lấy vậy.”

“Bà không thể đưa con bé vào ngôi nhà này được nếu bà có ý định Nhận Thân với nó,” bà Vương càu nhàu. “Để cháu trai của bà nhìn thấy mặt vợ tương lai của nó trước là không đúng phép tắc.”

Bà ta không thay đổi chút nào, mà tôi cũng chẳng phải tay vừa.

“Bà nói đúng, thưa bà. Vậy tôi sẽ đến thăm nhà cô bé.”

“Thế càng không phải nhẽ…”

“Tôi sẽ ghé thăm nhà đó thường xuyên. Tôi phải dạy dỗ con bé đó nhiều điều.” Tôi thấy bà Vương nghĩ rất lung. Tôi bèn cúi về phía trước và đặt bàn tay mình lên bàn tay bà ta. “Dì ạ, tôi tin rằng bà nội của con bé hẳn sẽ đồng tình.”

Nuớc mắt ứa ra từ đôi mắt của bà mối.

“Con bé cần phải học các kỹ năng của người đàn bà,” tôi vội nói tiếp. “Nó cần phải đi ra ngoài - không xa đến mức khiến nó nảy sinh những tham vọng vượt ra ngoài địa hạt của người đàn bà, nhưng tôi nghĩ dì sẽ đồng ý để con bé đến Miếu Cô Bà hằng năm. Người ta bảo tôi rằng ở đó từng có một người ông có món khoai đặc biệt. Tôi nghe nói cháu trai của ông ta đã kế tục nghề đó.”

Tôi kiên trì trong cuộc thương thảo và rốt cuộc cháu gái của Tuyết Hoa cũng đã nằm dưới sự bảo trợ của tôi. Tôi sẽ là người bó chân cho con bé. Tôi dốc lòng thể hiện với nó tình mẫu tử mà tôi có thể trao khi tôi bắt nó đi đi lại lại khắp căn buồng phụ nữ ở nhà nó. Chân của Mẫu Đơn trở thành một đôi “gót sen” hoàn hảo, vừa đúng bằng cỡ chân của tôi. Suốt những tháng ròng khi chân của Mẫu Đơn định hình, tôi ghé thăm con bé gần như hằng ngày. Cha mẹ nó yêu thương nó lắm, nhưng cha nó thì cố gắng không nghĩ tới quá khứ và mẹ nó thì không hề biết chuyện đó. Vì thế tôi kể cho con bé nghe, thêu những câu chuyện về bà nội nó và lão đồng của bà, về viết chữ và ca hát, về tình bạn và thử thách.

“Bà nội của con sinh ra trong một gia đình có học,” tôi bảo con bé. “Con sẽ học những gì mà bà nội con dạy cho ta - may vá, phẩm giá, và, quan trọng nhất là chữ viết bí mật của đàn bà.”

Mẫu Đơn rất chịu khó học hành, nhưng một hôm nó nói với tôi, “chữ viết của con trông như gà bới ấy. Con mong bà sẽ tha lỗi cho con và cả chữ của con nữa.”

Cô bé là cháu nội của Tuyết Hoa, nhưng làm thế nào tôi có thể không thấy chính mình trong nó?

THỈNH THOẢNG TÔI TỰ HỎI điều gì tồi tệ hơn, chứng kiến Tuyết Hoa chết hay nhìn chồng tôi mất. Cả hai chuyện đó đều đau đớn khủng khiếp. Chỉ một người có một đoàn đưa tang trong đó ba đứa con trai đi bằng đầu gối đến tận huyệt mộ. Khi tôi ở tuổi năm mươi bảy thì chồng tôi qua đời, quá già để các con trai tôi nghĩ tới chuyện cho tôi tái giá hay lo lắng liệu tôi có chịu làm một bà góa đức hạnh hay không. Tôi đã ở vậy quá lâu, chỉ có điều bây giờ tôi chính thức góa bụa. Tôi không viết gì nhiều về chồng tôi trong những trang này. Toàn bộ chuyện đó nằm trong tiểu sử tự bạch của tôi rồi. Nhưng tôi sẽ nói điều này: chồng tôi đã cho tôi lý do để sống hết ngày này qua ngày khác. Tôi phải chăm lo bữa ăn của chồng. Tôi phải nghĩ ra những chuyện thông minh để làm chồng vui thích. Khi chồng mất, càng ngày tôi càng ăn ít hơn. Tôi không còn bận tâm đến chuyện trở thành tấm gương mẫu mực cho đàn bà con gái trong huyện nữa. Ngày qua rồi đến tuần. Tôi bẵng quên đi thời gian. Tôi không quan tâm đến sự luân chuyển của bốn mùa. Năm tháng trôi qua theo hàng thập kỷ.

Rắc rối của việc sống quá lâu là người ta phải chứng kiến quá nhiều người lần lượt qua đời. Tôi sống lâu hơn hầu hết mọi người - bố mẹ tôi, chú thím tôi, anh chị em của tôi, bà Vương, chồng tôi, con gái tôi, hai đứa con trai tôi, tất cả những đứa con dâu của tôi, thậm chí là Dũng Cảm. Con trai cả của tôi trở thành cống sinh rồi sau đó là tiến sĩ. Chính hoàng đế đã đọc bài văn bát cổ của nó. Là một vị quan trong triều, con trai tôi luôn phải ở xa, nhưng nó vẫn bảo vệ địa vị của gia đình họ Lữ qua nhiều thế hệ. Nó rất có hiếu, và tôi biết nó sẽ không bao giờ quên trách nhiệm của mình. Thậm chí nó còn mua trước một cỗ quan tài - đồ sộ và bóng loáng - cho tôi yên nghỉ sau khi tôi mất. Tên nó - cùng với tên chú Lữ và tên cụ của Tuyết Hoa - được viết bằng chữ viết của đàn ông treo ở miếu thờ họ của Thông Khẩu. Ba cái tên ấy sẽ ở đó cho đến khi ngôi miếu đổ nát.

Mẫu Đơn giờ đã ba mươi bảy tuổi, lớn hơn tôi sáu tuổi khi tôi trở thành bà Lữ. Là vợ của đứa cháu nội đầu tiên của tôi, con bé sẽ trở thành bà Lữ mới khi tôi mất. Nó sinh được hai đứa con trai, ba đứa con gái, và có thể sẽ còn sinh thêm nhiều đứa nữa. Con trai đầu của con bé đã cưới một cô vợ ở thôn khác. Con bé đó vừa mới sinh đôi, một trai một gái. Trên gương mặt của lũ trẻ tôi nhìn thấy Tuyết Hoa, đồng thời cũng nhìn thấy chính mình. Khi còn là những đứa bé gái, mọi người bảo chúng tôi là những nhánh cây vô dụng, vì chúng tôi sẽ không duy trì họ của cha đẻ mình mà chỉ duy trì họ của gia đình nhà chồng, nếu chúng tôi đủ may mắn sinh được những đứa con trai. Theo đó, người đàn bà sẽ vĩnh viễn thuộc về gia đình chồng của cô ta, dù cô ta còn sống hay đã chết. Tất cả điều đó đều đúng, nhưng những tháng ngày này tôi thấy mãn nguyện vì biết rằng dòng máu của tôi và Tuyết Hoa sẽ sớm cai quản nhà họ Lữ.

Tôi vẫn luôn tin lời người xưa cảnh báo, “một người đàn bà không có tri thức thì sẽ tốt hơn một người đàn bà có học.” Cả đời mình tôi đã cố gắng đắp tai cài trốc trước những gì xảy ra ở địa hạt bên ngoài và không ao ước được học chữ của đàn ông, nhưng tôi học cung cách của đàn bà, các câu chuyện và nữ thư. Nhiều năm trước, khi tôi đến Cẩm Điền để dạy Mẫu Đơn và các chị em kết nghĩa của con bé những nét chữ viết nên mật mã của chúng tôi, nhiều người đàn bà đã hỏi rằng liệu tôi có thể chép lại tiểu sử của họ không. Tôi không thể từ chối. Đương nhiên là tôi nhận công - ba quả trứng và một ít tiền. Tôi không cần trứng hay tiền, nhưng tôi là bà Lữ và họ cần phải kính trọng địa vị của tôi. Song chuyện này còn đi xa hơn thế. Tôi muốn họ đưa điều gì đó giá trị vào cuộc sống của họ, mà phần lớn là chuỗi ngày buồn thảm tối tăm. Họ xuất thân từ những gia đình nghèo khổ và bạc bẽo, đã gả họ đi từ khi còn non dại. Họ phải chịu đựng nỗi khổ đau vì phải xa cách bố mẹ, bị mất đi những đứa con, bị sỉ nhục vì có địa vị thấp nhất trong gia đình chồng, và quá nhiều người bị chồng đánh đập. Tôi biết nhiều về đàn bà và nỗi khổ của họ, nhưng tôi vẫn chẳng hiểu gì nhiều về đàn ông. Nếu người đàn ông đã không thấy vợ anh ta có chút giá trị gì khi cưới cô ta về thì sau đó việc gì anh ta phải quý trọng vợ mình cơ chứ? Nếu anh ta nhìn vợ mình không khác gì lũ gà có thể không ngừng đẻ trứng hay con trâu có thể chịu cảnh cổ cày vai bừa, thì sao anh ta lại phải xem trọng cô ta hơn những con vật đó? Thậm chí anh ta còn có thể đánh giá cô ta thấp hơn thế, vì cô ta không bạo dạn, mạnh khỏe, bao dung hay rửa ráy sạch sẽ cơ thể mình.

Sau khi nghe nhiều chuyện đến thế, tôi nghĩ về chuyện của chính mình. Bốn mươi năm qua, quá khứ chỉ khơi dậy trong tôi nỗi ân hận. Chỉ có một người thật sự quan trọng đối với tôi, nhưng tôi đã đối xử tệ bạc với cô còn hơn cả người chồng tệ bạc nhất. Sau khi Tuyết Hoa nhờ tôi trở thành dì của các con cô, cô đã nói - mà đây là những lời cuối cùng cô nói với tôi - “dù mình không tốt bằng bạn, nhưng mình tin tưởng rằng chính ông tơ bà nguyệt đã xe duyên cho chúng ta. Chúng ta sẽ được mãi mãi bên nhau.” Nhiều lần tôi nghĩ về chuyện này. Phải chăng điều cô nói là có thật? Nhỡ thế giới bên kia không có sự cảm thông thì sao? Nhưng nếu người chết vẫn còn yêu thương và nhớ nhung người sống, thì tôi đang nói với Tuyết Hoa và những người đã chứng kiến tất cả đây. Xin lắng nghe tôi. Hãy tha thứ cho tôi.

The End

Trước/19Sau

Theo Dõi Bình Luận


Truyện Convert : Nông Gia Tiểu Thiếu Nãi