Saved Font

Trước/264Sau

Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chương 253: Thanh Niên Nên Phát Tâm Cứu Thế

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Kiểu Màu
Hòa thượng khai thị tại ban nghiên cứu Trường Đại Học Oregon

Hỡi các vị Thiện tri thức, các vị giáo sư và các vị sinh viên:

Hôm nay mọi người có duyên lành mới cùng tụ hộ về chung một giảng đường đây để thảo luận về đề tài “Nhu yếu cần thiết của đời sống con người là gì?” Chúng ta vì sao lại đến thế giới này? Có phải chúng ta đến thế giới này chỉ đơn giản là vì ăn, vì mặc, vì ngủ hay là vì hưởng thụ mà đến? Mấy vấn đề này nếu không chú ý, xem ra thì đơn giản lắm, nhưng nếu chúng ta nghiên cứu một cách cẩn thận, thời nó không có đơn giản như thế đâu. Vậy công tác cứu cánh của chúng ta đến thế giới này là gì? Có trách nhiệm gì? Mỗi người cũng nên nghiêm chính thảo luận cho rõ ràng. Nếu không nhận thức rõ, vậy thì đời người này không có ý nghĩa và giá trị gì đâu. Cho nên chúng ta cần phải biết rõ như thế nào là làm tròn trách nhiệm, làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ của mình cho tốt.

Trước tiên, chúng ta phải học tập cách thức làm tròn thiên chức bẩm sinh và nhiệm vụ của con người. Những đứa bé mới sinh ra đời thì chỉ biết khóc, biết ăn. Chúng vốn chẳng biết nhiệm vụ trong tương lai của chúng nó là gì. Rồi theo thời gian, ngày ngày trôi qua mà chúng trưởng thành. Cha mẹ đưa chúng đến trường để học tập về trách nhiệm làm người, ngõ hầu chuẩn bị trong tương lai chúng sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách tận lực.

Về học tập, mỗi người lại có biết bao chí nguyện. Có người học vì “minh lý” để hiểu rõ đạo lý; có người học vì “danh lợi”, để tương lai có thể trổ tài được danh tiếng tốt (minh lý và danh lợi phát âm theo tiếng Hoa giống nhau, đều là “minh li”, nhưng chữ viết thì khác nhau); có người học để tương lai có thể phát tài, thâu được nhiều lợi lớn. Họ vốn chẳng màng gì đến chuyện hiểu hay không hiểu đạo lý, hợp hay không hợp pháp. Họ bất chấp thủ đoạn, miễn sao được phát tài, và tranh giữ quyền lực. Lại có người muốn làm lãnh tụ, muốn làm người lãnh đạo nữa đấy. Nhưng trước tiên là quý vị phải biết cách làm người như thế nào. Hãy tự hỏi rằng, mình có đủ tư cách để làm người hay không? Như quả mình đã biết rõ cách làm người như thế nào rồi, tức là mình có thể mô phạm gương mẫu cho người khác, thế thời làm lãnh tụ sẽ không hổ thẹn với lòng mình. Nếu quý vị còn có tâm tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, vọng ngữ, luôn hướng ngoại truy cầu, muốn làm lãnh tụ chỉ vì lo mưu cầu phước lợi cho mình, mà không thể vì hạnh phúc cho người khác, như thế là quý vị đi lầm đường rồi. Làm người lãnh tụ, nhất định là phải “khuất kỷ đãi nhân,” hạ mình để tiếp đãi người, và vì lợi ích của toàn nhân loại.

Trách nhiệm làm người là gì? Là mình nên có sự cống hiến, giúp đỡ cho toàn thế giới và làm lợi ích cho tất cả mọi người trên thế giới. Đó là trách nhiệm làm người chân chánh của mỗi chúng ta. Chứ chúng ta không phải chỉ vì ăn ngon, mặc đẹp hoặc ở nhà hào hoa tráng lệ.

Trong khắp thiên hạ, nếu có kẻ không có cơm ăn, không có áo mặc, thế là mình có lỗi với người đó, bởi vì mình không tận tâm, tận lực giúp đỡ mọi người. Trách nhiệm chân chánh làm người là phải thật sự vì lợi ích của kẻ khác. Muốn có công với đời, có lợi với dân, ta nên gánh vác trách nhiệm và không được xô đẩy cho kẻ khác. Nếu mọi người đều có thâm như thế, nhất định thế giới sẽ hòa bình và không có chiến tranh.

Trước hết là chúng ta nên làm người mô phạm, gương mẫu tốt và không tranh giành với người. Tại sao thế giới này hư hoại? Bởi vì con người tranh quyền, tranh lợi, tranh danh. Ta nên đem những cái tốt cho người khác và nên tiếp nhận những thứ người ta không muốn, với ai mình cũng không tranh giành. Nếu ai nấy đều không tranh, nhất định thế giới sẽ hòa bình. Kẻ phàm thường thì tham, nhưng chúng ta không tham. Đừng chạy theo phong trào điên cuồng của thế gian. Hãy làm ngọn đuốc mạnh trong cơn gió lớn. Hãy nên như khối vàng nguyên chất trong lò lửa bỏng. Tùy duyên nhưng không thay đổi; không thay đổi nhưng tùy duyên; giữ vững tông chỉ của mình, ngấm ngầm thay đổi hầu ảnh hưởng mọi người tuân giữ không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Nếu quý vị làm được như vậy, thế giời nhất định sẽ hòa bình.

Khởi đầu là mình tự tu thân. Khi trong nội tâm mình cũng không tranh với chính mình, vậy thì tất cả những vọng tưởng điên cuồng cũng không dấy khởi. Bình bình, tĩnh tĩnh thì đó là khoái lạc chân chánh. Tự quý vị mà bình tĩnh và vui vẻ, quý vị có thể ảnh hưởng đến người chung quanh cũng được bình tĩnh và vui vẻ theo. Khi mọi người cùng sống hòa bình với nhau, thế giới sẽ không còn chiến tranh. Vì sao thế giới có chiến tranh? Bởi vì trong tâm con người có sự tranh đấu. Tâm người mà hòa bình thì thế giới hòa bình. Tâm người mà bất bình thời thế giới sẽ không hòa bình. Chúng ta, kẻ già người trẻ sau khi biết được đạo lý này, chúng ta sẽ không cờ bạc, nghiện ngập, phóng hỏa, cướp đoạt, cưỡng dâm. Muốn thế giới tốt lành thì tự cá nhân mình phải bắt đầu trước. Nếu mình không tốt, thế giới làm sao tốt cho được? Chúng ta không nên chuyên môn chỉ tay đến người khác, nói: Tại sao họ không giữ quy củ, nề nếp? Chúng ta nên tự hỏi mình trước, rằng: “Mình có giữ quy củ không?” Người thanh niên nên gánh lấy trách nhiệm này. Nếu thanh niên không làm tốt, thế giới làm sao tốt cho được?

Thanh niên học từ sự dạy dỗ của các vị giáo sư, thầy giáo để đi vào con đường chân chánh. Nhưng nếu họ gặp phải ông thầy không tốt, chỉ dạy bọn trẻ những điều tà tri, tà kiến, như vậy bọn thanh niên cũng sẽ học xấu theo. Như câu nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, cho nên lựa bạn, tìm thầy là vấn đề quan trọng vô cùng. Những thanh niên có khả năng, thành tích nên nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình, chứ đừng làm một người ích kỷ, chỉ biết lo cho mình. Trách nhiệm làm người là phải có công cho đời, có ích cho dân, có lợi cho toàn nhân loại. Tôi vốn muốn gánh vác trách nhiệm cứu đời, hầu giúp cho toàn nhân loại trên thế giới được thành tựu, nhưng tôi đã già rồi, đâu còn đủ sức lực. Cho nên tôi gởi kỳ vọng này vào các vị thanh niên có khả năng, các vị hãy nên phát tâm cứu đời và mưu cầu hạnh phúc cho toàn nhân loại.

Hỡi các bạn trẻ có năng lực! Hãy nên chân thành phát đại nguyện, đại lực để giúp cho toàn nhân loại được hạnh phúc. Cứu giúp những kẻ đang trong cảnh nước ngập, lửa đốt để họ lìa khổ, được vui. Trước là tự mình nên học: Không hút thuốc, không uống rượu, không nổi giận, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không ăn thịt, không đánh bạc, không hút ma túy. Quý vị nên học làm những việc chánh đáng. Nếu quý vị có thể làm như vậy, tức là nhân loại toàn thế giới sẽ được cứu vớt. Tôi đi đến đầu là tôi kêu gọi, hô hào, hy vọng những người thanh niên sẽ giác ngộ, mà phát tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và bắt chước theo cái hoài bão cứu thế như của đức Chúa Giê-Su, đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả các vị Thánh Nhân. Được vậy thì thế giới dù không hòa bình cũng sẽ phải hòa bình thôi.

Các vị có thể nghiên cứu những lời tôi nói hôm nay. Nói đúng hay không, tôi cũng không biết, song tôi là một người hết sức khao khát, mong mỏi cho thế giới hòa bình và hy vọng nhân loại trên thế giới sẽ không đau khổ. Nhưng muốn hoàn thành lý tưởng này, nhất định mình phải có trí huệ mới có thể làm được.

Giảng ngày 4 tháng 4 năm 1987

Trước/264Sau

Theo Dõi Bình Luận


Truyện Convert : Đấu Phá Thương Khung Chi Vô Thượng Chi Cảnh